Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay thế bằng chế phẩm sinh học

Ngọc Quỳnh| 01/06/2016 07:47

(HNM) - Sử dụng thuốc thú y, kháng sinh trong chăn nuôi chăm sóc và điều trị bệnh cho vật nuôi là cần thiết song do kiến thức còn hạn chế, người chăn nuôi thường tự chọn thuốc để tiêm hoặc phối trộn vào thức ăn để chữa bệnh cho vật nuôi.

Người chăn nuôi tránh lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Ảnh: Thái Hiền


Việc lạm dụng cũng như không tuân thủ thời gian ngừng thuốc trước khi giết mổ dẫn tới tồn dư kháng sinh trong thực phẩm cao, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, vẫn có phương án thay thế hiệu quả bằng chế phẩm sinh học.

Nguyên nhân dẫn đến tồn dư kháng sinh caoTheo Trung tâm Kiểm tra vệ sinh thú y trung ương 1 (Bộ NN&PTNT), kết quả điều tra 100 hộ chăn nuôi ở các tỉnh cho thấy, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi rất phổ biến, trong khi đó công tác quản lý thuốc thú y ở cơ sở rất lỏng lẻo. Mặc dù Nhà nước đã có các quy định trong sử dụng thuốc kháng sinh nhưng do người nông dân thiếu kiến thức, sử dụng thuốc chủ yếu theo hướng dẫn của nhà sản xuất, giới thiệu, quảng cáo mà không chẩn đoán bệnh, khiến tồn dư thuốc kháng sinh trong thực phẩm cao.

Vừa qua, trung tâm lấy 132 mẫu thịt lợn và 66 mẫu thịt gà để phân tích tồn dư kháng sinh với chỉ tiêu Cloramphenicol, kết quả cho thấy 11/132 mẫu thịt lợn có kết quả dương tính, 4/66 mẫu thịt gà dương tính, 21/132 mẫu thịt lợn dương tính với chất Sulfadimidine, hàm lượng cao gấp 5-6 lần quy định. Phân tích 144 mẫu nước tiểu về chỉ tiêu nhóm B-agonist bằng kít ELISA, kết quả cho 13 mẫu dương tính… cho thấy nông dân vẫn còn sử dụng các chất cấm như: B-agonist, Cloramphenicol trong chăn nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hiện người chăn nuôi vẫn còn lạm dụng kháng sinh. Không những thế, do chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún với số lượng hộ chăn nuôi đông, trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng nên chưa thể kiểm soát đến tận hộ (tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh). Ông Lê Văn Uyên, hộ chăn nuôi ở huyện Ứng Hòa cho biết, chỉ một số ít trang trại chăn nuôi quy mô lớn, khi vật nuôi mắc bệnh mới mời cán bộ thú y tới kiểm tra và tiêm thuốc. 90% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều tự chữa bệnh theo kiểu miêu tả triệu chứng bệnh cho người bán thuốc thú y và mua thuốc về điều trị.

Thực tế, quy định về sử dụng thuốc kháng sinh nêu rất rõ thời gian sau khi sử dụng kháng sinh phải 2-3 tuần mới được giết mổ, nhưng ý thức của người dân còn kém nên tình trạng bán chạy vật nuôi ốm sau 1-2 ngày tiêm thuốc không khỏi vẫn diễn ra. Đây là nguyên nhân tồn dư kháng sinh trong thực phẩm chăn nuôi cao. Ông Nguyễn Văn Cảm - Hội Thú y Việt Nam cảnh báo, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý có thể tạo ra các sản phẩm chăn nuôi không bảo đảm an toàn cho con người, đồng thời dẫn tới tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

Chế phẩm sinh học - Nhiều lợi ích

Theo bà Nguyễn Thị Thủy - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong chăn nuôi, phòng bệnh là cần thiết nhưng để tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho vật nuôi, cần sử dụng chế phẩm sinh học thay thế thuốc kháng sinh. Việc làm này sẽ giảm nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Các cơ quan chuyên môn ở cơ sở cần tuyên truyền cho người dân hạn chế tối đa việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho vật nuôi. Trong trường hợp xác định được vật nuôi bị nhiễm khuẩn, cần chọn loại kháng sinh phù hợp; liều lượng, thời gian, hướng dẫn sử dụng phải theo khuyến cáo của cán bộ thú y. Đặc biệt, không dùng thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và thuốc ngoài danh mục. Đối với một số loại kháng sinh, cần chấp hành nghiêm việc ngừng sử dụng trong một thời gian nhất định trước khi giết mổ.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chi cục Thú y Hà Nội khuyến cáo, trong quá trình điều trị, người dân cần theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của vật nuôi để phát hiện những bất thường, tác dụng phụ của thuốc. Sau khi điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm, có thể bổ sung vào thức ăn một số loại Vitamin tổng hợp, Vitamin C, hóa chất có tính ô xy hóa cao để giải độc, ổn định hệ tiêu hóa và hồi phục sức khỏe cho vật nuôi. Cán bộ thú y cơ sở cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, ngoài việc tổng hợp số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn, cần tuyên truyền cho người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng thuốc không đúng cách, không bán chạy vật nuôi đang bị ốm hoặc điều trị chưa khỏi làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, khi gia súc, gia cầm ốm, người dân cần báo ngay cho cơ quan chuyên môn tại địa phương đến kiểm tra và xác định bệnh để có phương án điều trị hiệu quả…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay thế bằng chế phẩm sinh học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.