Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấy gì từ một vụ phát hiện thuốc hết hạn?

Trung Hưng| 18/01/2016 05:31

(HNM) - Lực lượng chức năng vừa phát hiện vụ "phù phép" thuốc hết hạn sử dụng trên địa bàn Hà Nội, khối lượng lên đến hơn 500.000 đơn vị thuốc Tây với hàng trăm nghìn viên, bao gồm kháng sinh, thuốc điều trị tiểu đường, cai nghiện, thực phẩm chức năng...

Thủ đoạn "phù phép" - như báo chí đưa tin - rất đơn giản: Với vỏ hộp thuốc có in hạn sử dụng thì cạo nhẹ lớp mực rồi viết lại số mới; với vỏ, gói thuốc bán rời dập chìm hạn sử dụng thì cắt bỏ. Đáng chú ý, người "phù phép" - chủ hệ thống hơn 20 cửa hàng dược phẩm - có tiền án "sản xuất, buôn bán hàng giả" là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh...

Với hàng nhái, hàng giả, hàng hết hạn sử dụng, người tiêu dùng lo một thì với thuốc nhái, thuốc giả, thuốc hết hạn sử dụng, "người tiêu dùng" lo mười. Với thuốc, "người tiêu dùng" là đối tượng đặc biệt bởi hầu hết là bệnh nhân. Hậu quả từ thuốc hết hạn sử dụng hết sức rõ ràng và nghiêm trọng, đó là làm giảm hoặc làm mất tác dụng điều trị, thậm chí có thể gây ngộ độc. Với thuốc hết hạn sử dụng, những đối tượng tiêu dùng đặc biệt - bệnh nhân vừa mất tiền vừa chịu những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và cả tính mạng. Chẳng hạn, người bị tiểu đường, huyết áp nếu không sử dụng đúng liệu trình, thuốc đạt tiêu chuẩn có thể bị tai biến; sử dụng kháng sinh hết hạn sử dụng có thể dẫn tới không có hiệu quả điều trị, nhờn thuốc... Vấn đề đáng báo động ở chỗ vụ việc nêu trên không mới, chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc được phát hiện thời gian qua và cho thấy những lỗ hổng lớn trong quản lý nhà nước.

Luật Dược đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm như kinh doanh thuốc mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hành nghề dược mà không có chứng chỉ; kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn dùng...; giả mạo, thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc; bán lẻ thuốc kê đơn không có đơn thuốc... Tuy nhiên, những điều khoản này bị vi phạm tràn lan. Như thông tin từ giới truyền thông về vụ "phù phép" thuốc hết hạn sử dụng nêu trên, chủ hệ thống cửa hàng dược đã thuê dược sĩ khác đứng tên. Điều này lâu nay không xa lạ và quy trình thế này: "Chủ đầu tư" (người bỏ vốn) không cần bằng cấp, chứng chỉ hành nghề nhưng dễ dàng thuê bằng dược sĩ của người khác để mở cửa hàng. Vì thế, chưa ở đâu, cửa hàng thuốc mọc lên dễ dàng như ở nước ta, bất kể ở khu vực nông thôn hay đô thị. Hoặc dù có quy định cấm bán lẻ thuốc kê đơn không có đơn thuốc song chỉ cần ra hiệu thuốc, không cần đơn, người mua miêu tả triệu chứng thì ngay lập tức được người bán - không rõ có bằng dược sĩ hoặc chứng chỉ hành nghề hay không - "bốc thuốc", "chỉ định" như bác sĩ...

Kinh doanh thuốc là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Mục tiêu cao nhất phải là góp phần mang lại sức khỏe, tính mạng người bệnh. Song rõ ràng thực tế cho thấy, không thể kêu gọi người hành nghề thuốc đặt tiêu chí đạo đức làm đầu khi không ít người coi lợi nhuận là trên hết. Những kẽ hở cần khắc phục của Luật Dược hiện hành là có, song hàng loạt vụ việc như đã đề cập ban đầu còn cho thấy những lỗ hổng lớn, thậm chí là cả sự vô trách nhiệm của những người làm công tác quản lý lĩnh vực này. Bởi lẽ kiểm tra một cửa hàng dược có vi phạm quy định hay không, không khó. Chính sự vô trách nhiệm, buông lỏng quản lý đó đã dẫn tới nhiều nội dung của luật "chết trong thực tế". Do đó, cùng với việc tăng nặng chế tài xử lý đối với đối tượng hành nghề, cũng cần tăng mức trách nhiệm truy cứu đối với những người được trao trách nhiệm quản lý lĩnh vực hết sức nhạy cảm này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thấy gì từ một vụ phát hiện thuốc hết hạn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.