(HNM) - Sau "cơn bão" bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Tổng cục Thống kê nhận định nguồn cung thiếu hụt khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Trước tình hình này, các bộ Công Thương, NN&PTNT đã thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.
Song thực tế, thịt lợn nhập khẩu đông lạnh vẫn chưa được nhiệt tình đón nhận, bởi thói quen tiêu dùng lâu nay của người Việt thường là mua thịt lợn sau giết mổ - thịt tươi. Trong khi đó, thịt tươi bán ở chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm nhiều khi bị trà trộn, thịt không rõ nguồn gốc, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Căn cứ khoa học đã khẳng định, thịt lợn đông lạnh nếu được bảo quản đúng cách vẫn giữ được chất lượng trong vòng 2-3 tháng. Thực tế cho thấy, qua thời gian và dưới tác động của lối sống hiện đại, cách tiêu thụ thực phẩm của người Việt cũng đang thay đổi. Đơn cử, giới trẻ đã làm quen với đồ ăn nhanh vốn là “đặc sản” của châu Âu, châu Mỹ như đồ rán BBQ, thịt bò của Nhật, Úc hay Hamburger...
Ngoài ra, cách đây 8-10 năm, người tiêu dùng cũng chỉ quen ăn thịt gà tươi, rất ngần ngại với thịt gà đông lạnh. Nhưng nay thì thịt gà đông lạnh - trong đó chiếm tỷ trọng đáng kể là thịt nhập khẩu - đã chiếm lĩnh từ bếp ăn công nghiệp, quán ăn đến bếp ăn gia đình. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam chi khoảng 4,5 tỷ USD nhập khẩu sản phẩm từ gà (khoảng 2/3 là phụ phẩm như đùi, cánh, chân gà) và tiêu thụ rất tốt.
Đáng chú ý là hiện công nghệ bảo quản thịt lợn mát, thịt lợn cấp đông đã được nhiều doanh nghiệp trong nước áp dụng, cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích. Bên cạnh đó đã có một bộ phận khách hàng truyền thống của thịt lợn tươi chuyển sang lựa chọn thịt mát cho bữa ăn hằng ngày.
Rõ ràng, việc thay đổi thói quen tiêu dùng trong việc sử dụng, tiêu thụ những sản phẩm hiện đại, an toàn đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả xã hội. Cụ thể hơn, việc sử dụng thịt lợn đông lạnh vừa bảo đảm an toàn cho sức khỏe con người, vừa giảm áp lực nguồn cung ứng thịt tươi, giúp Nhà nước và doanh nghiệp bình ổn thị trường, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch vẫn diễn biến phức tạp. Xa hơn, đó còn là hành động góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản thực phẩm của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.