Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi quy trình chăn nuôi

Chí Kiên| 12/11/2010 07:24

(HNM) - Dự án khí sinh học (KSH) trong ngành chăn nuôi đang thực hiện tại các địa phương đã góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao đời sống nông dân và bảo vệ môi trường nông thôn. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã tiếp tục khởi động dự án 100 triệu USD phát triển KSH, coi đây là khâu đột phá, đòn bẩy cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.


Hà Nội có 10.000 hầm biogas


Nhiều hộ gia đình xã Thụy Hương (Chương Mỹ) dùng khí sinh học từ chăn nuôi
để phục vụ đời sống sinh hoạt.  Ảnh: Tào Ngọc

Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về phát triển chương trình KSH trong chăn nuôi. Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, khu vực ngoại thành đã có khoảng 10 nghìn công trình KSH (hầm biogas). Điển hình là mô hình sử dụng phụ phẩm sinh học bón cây trồng ở Sóc Sơn; sử dụng KSH chạy máy phát điện, đun nấu ở các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Đan Phượng… Bà Hoàng Thị Luyến, cán bộ Dự án KSH Hà Nội cho rằng, các công trình được xây dựng có kích cỡ phù hợp với điều kiện chăn nuôi đã giữ gìn, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sinh hoạt và sức lao động cho người nông dân. Hiện nay, Hà Nội đang triển khai xây dựng tiếp 3.000 công trình KSH và có chính sách hỗ trợ 1,2 triệu đồng/công trình; Ngân hàng Chính sách xã hội ưu tiên cho vay 4 triệu đồng/công trình. Đặc biệt, Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình KSH - QSEAP, với tổng số vốn 6 triệu USD, trong đó có hợp phần KSH sẽ được triển khai rộng khắp ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn từ nay đến năm 2015. Để bảo đảm thành công, dự án sẽ hỗ trợ về tài chính cho 20 nghìn hộ chăn nuôi; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và xây dựng mô hình thí điểm công trình quy mô vừa và lớn. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Dự án, dự tính trong 5 năm thực hiện, tất cả các gia trại, trang trại, đặc biệt là hộ nghèo và các nhóm có hoàn cảnh khó khăn sẽ dễ dàng tiếp cận với nguồn tín dụng. Dự án đã chọn Ngân hàng NN&PTNT và Quỹ Tín dụng nhân dân là hai định chế tín dụng tham gia dự án để cho vay lại đến hộ gia đình.

Phát triển chăn nuôi bền vững

Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến thời điểm này cả nước có gần 100 nghìn công trình KSH mang lại lợi ích lớn cho nông dân trong đun nấu, thắp sáng, gieo trồng… Ước tính, mỗi công trình KSH có thể làm giảm hơn 2 tấn khí thải CO2/năm và với số công trình hiện có, mỗi năm nông dân nước ta góp phần giảm thải gần 200 nghìn tấn khí CO2 vào bầu khí quyển. Năm 2010 cả nước có khoảng 8,5 triệu gia đình hoạt động chăn nuôi nhưng chỉ có 20% số gia đình xây dựng công trình KSH. Chăn nuôi trang trại đang phát triển nhưng trong tổng số 18 nghìn trang trại, chỉ khoảng 60% có hệ thống xử lý chất thải bằng KSH. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, ngành chăn nuôi không thể phát triển bền vững nếu không có biện pháp hữu hiệu giảm thiểu, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Từ thực tế này, Bộ đã mở rộng chương trình phát triển KSH triển khai đến năm 2018, với mục tiêu nhằm mở rộng chương trình KSH quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình và trang trại. Trong thời gian thực hiện dự án sẽ có 100 nghìn công trình KSH được lắp đặt tại 30 đến 35 tỉnh, thành. "Việc thực hiện mục tiêu này sẽ hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái cơ cấu toàn bộ ngành chăn nuôi, đồng thời chủ động thích ứng với thực trạng biến đổi khí hậu đang nóng bỏng hiện nay" - ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, không chỉ tiếp cận hộ chăn nuôi nhỏ, dự án còn tính đến trang trại tập trung quy mô lớn. Dự án cũng hỗ trợ hộ chăn nuôi xây dựng, nâng cấp chuồng trại đúng kỹ thuật nhằm cách ly nguồn bệnh và nguồn ô nhiễm xâm nhập từ bên ngoài; bảo đảm an ninh sinh học… Một điểm đáng lưu ý là nếu các dự án trước chỉ hỗ trợ từ 1 đến 1,2 triệu đồng/công trình KSH thì dự án này hỗ trợ tối thiểu 3 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, khó khăn trong xây dựng công trình KSH hiện nay là nhiều mẫu thiết kế chưa hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật; chi phí xây dựng và lắp đặt một công trình có thể tích 6m3, 9m3, 12m3… khá tốn kém, trong khi phần lớn thu nhập của nông dân còn thấp; trình độ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và thợ xây vẫn còn nhiều hạn chế…

Dù vậy, với những mục tiêu mới, các dự án KSH đang và sẽ được triển khai sẽ góp phần tăng số hộ chăn nuôi quy mô lớn, tăng số đầu vật nuôi, thay đổi quy trình nuôi theo tiêu chí khép kín, sạch sẽ, thân thiện với môi trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi quy trình chăn nuôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.