(HNM) - Gạt qua những khó khăn, ngành Du lịch Thủ đô đang có những bước đi chủ động để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nổi bật là thực hiện chương trình kích cầu du lịch, với trọng tâm nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ; phát triển du lịch cộng đồng; giảm giá tour… Các đơn vị lữ hành cũng được tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng, kết nối các điểm đến dịch vụ du lịch trên địa bàn Hà Nội và giữa Hà Nội với các địa phương khác.
Xác định ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 còn kéo dài trong thời gian tới đồng nghĩa với việc chưa thể đón khách quốc tế, các doanh nghiệp, địa phương đã chủ động, sáng tạo hơn để phát triển du lịch trong "tình hình mới". Đáng chú ý, nhằm đón đầu cơ hội từ nay đến cuối năm, nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong nước đã được xây dựng, triển khai hiệu quả. Trong đó, yếu tố khác biệt đã được các đơn vị chú trọng bằng việc khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nghìn năm văn hiến; gắn các sản phẩm du lịch, văn hóa với hoạt động bảo tồn di sản, di tích, làng nghề, ẩm thực…
Tiếp tục thu hút, mở rộng đối tượng khách nội địa trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cấp thiết với ngành Du lịch Thủ đô. Vì vậy, không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Muốn vậy, đòi hỏi ngành Du lịch Hà Nội, các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu du lịch.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là phải tăng cường liên kết phát triển du lịch. Việc này nếu làm tốt sẽ tạo ra sản phẩm du lịch có tính kết nối; tạo dựng môi trường du lịch đồng bộ giữa các địa phương, trong đó sẽ bảo đảm về hạ tầng, các dịch vụ đi kèm, vận chuyển du khách an toàn… Hơn thế, những sản phẩm du lịch có tính liên vùng, liên địa phương còn tạo ra sự đa dạng và hấp dẫn với du khách. Đây cũng là yếu tố căn bản để làm “sống dậy” các điểm đến.
Giải pháp đẩy mạnh xúc tiến du lịch cũng góp phần không nhỏ tạo ra sự liên kết chặt chẽ, giúp các đơn vị, địa phương có đủ thông tin để hợp tác phát triển du lịch. Vấn đề này đã, đang được Hà Nội làm rất tốt, thu hút nhiều doanh nghiệp lữ hành tham gia. Tuy vậy, với yêu cầu mới, việc xúc tiến du lịch cần làm thường xuyên hơn, bảo đảm phải đón đầu được những xu thế của du lịch hiện nay.
Cùng với đó, cả ngành Du lịch, các địa phương, đơn vị lữ hành phải đa dạng kênh thông tin giới thiệu, quảng bá du lịch. Một trong số đó là tận dụng mạng xã hội, trang web của đơn vị mình để cung cấp thông tin du lịch chính xác tới du khách một cách nhanh nhất.
Ngoài ra, riêng các doanh nghiệp phải vận hành sản phẩm du lịch bảo đảm chất lượng. Muốn vậy, đội ngũ nhân sự cần chuyên nghiệp, thân thiện, cởi mở; các dịch vụ hậu cần làm bài bản, chu đáo, tận tình… Làm sao để tạo được uy tín và thiện cảm, qua đó xây dựng hình ảnh đẹp của điểm đến trong mắt du khách mỗi khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, các đơn vị kinh doanh du lịch của Thủ đô cần đẩy mạnh nghiên cứu để đa dạng hóa điểm đến trong nước, với trọng tâm ưu tiên là bảo đảm an toàn cho du khách; ưu tiên các điểm đến cự ly ngắn, chuyến đi ngắn ngày, chi phí hợp lý...
Rõ ràng, phát triển thị trường du lịch Thủ đô đang đòi hỏi các bên liên quan thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp, từ đó mới có thể hóa giải thách thức và tận dụng triệt để cơ hội khi bước vào mùa du lịch cao điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.