(HNM) - Tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ luôn là vấn đề gây nhức nhối xã hội. Thời gian qua, nhờ những nỗ lực và thực hiện nhiều giải pháp, tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí gồm số vụ, số người chết, số người bị thương trong 5 năm liên tiếp. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến hết sức phức tạp và nguyên nhân chính là do ý thức của con người.
Có thể dẫn ra một ví dụ rất sát thực, diễn ra ngay tại gia đình. Chủ trương bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã được thực hiện từ năm 2007. Tuy nhiên, trong khi bản thân chấp hành nghiêm quy định, nhiều phụ huynh đã… "quên" sự an toàn cho con trẻ. Để bảo đảm an toàn, các cơ quan chức năng đã ban hành quy định bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy. Tháng 4-2015, lực lượng chức năng đã đồng loạt ra quân nhắc nhở, tuyên truyền và xử phạt phụ huynh chở con đi bằng mô tô, xe máy mà không đội mũ cho trẻ. Không chỉ lực lượng chức năng, các nhà trường cũng tham gia tích cực khi bố trí giáo viên ra cổng trường vừa hỗ trợ điều tiết giao thông, vừa nhắc nhở phụ huynh phải chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Nhờ đó, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông đã có tiến triển khả quan. Tiếc là, chỉ được một thời gian ngắn rất nhiều phụ huynh đã "quên" quy định này. Và dường như, các lực lượng chức năng cũng "quên" khi việc nhắc nhở, xử phạt cũng lơ là hơn. Lực lượng chức năng đáng trách một thì các bậc phụ huynh đáng trách mười. Rõ ràng, chính họ đã chưa có sự quan tâm đúng mức tới sự an toàn của con em mình, còn tư tưởng đối phó với cơ quan chức năng.
Một ví dụ khác, dù biết con em chưa đủ tuổi, điều kiện để điều khiển mô tô, xe máy tham gia giao thông, nhưng không ít gia đình vẫn chiều, mua mô tô, xe máy cho "cậu ấm, cô chiêu" để tự tới trường. Rõ ràng, đây là hành vi tiếp tay cho con em vi phạm pháp luật.
Để chấn chỉnh những vi phạm của học sinh, mới đây Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành Kế hoạch số 925/KH-SGD&ĐT, trong đó có quy định hình thức kỷ luật cao nhất đối với học sinh phổ thông nếu nhiều lần vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ bị buộc thôi học trong một tuần để nhắc nhở, giáo dục. Đây được xem là một biện pháp "mạnh tay" để cùng mỗi gia đình giáo dục, uốn nắn ý thức chấp hành pháp luật của học sinh. Lập tức, với việc tiếp nhận thông tin ở mức độ khác nhau, dư luận có nhiều ý kiến, đồng tình có, phản đối có. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, người đã từng hoạt động trong ngành Giáo dục cho rằng, mọi người cần tiếp cận và hiểu đầy đủ về ý nghĩa của quy định này. Đó không phải là đuổi học mà chỉ tạm dừng để nhà trường và gia đình cùng phối hợp giáo dục. Giáo dục ở đây, xem ra chính là giáo dục nhận thức của… người lớn. Đây chính là thông điệp mạnh mẽ gửi tới các bậc phụ huynh để quan tâm nhiều hơn đến an toàn cũng như giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của con em, từ đó có những hành động kiên quyết ngay từ gia đình.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội và nhân cách của mỗi con người cũng phần nhiều xuất phát từ thói quen sinh hoạt của mỗi gia đình. Các bậc phụ huynh phải có nhận thức đúng đắn từ đó có những hành động đúng đắn nhằm định hướng phát triển cho con trẻ ngay tại gia đình. Để tạo ra thay đổi, cần phải thay đổi từ những điều tưởng như đơn giản nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.