(HNM) - Với một đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu cùng nhiều quan chức cấp cao trong nội các tháp tùng, chuyến công du Nhật Bản lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha (từ ngày 8 đến 10-2) đã đạt được mục tiêu mong đợi. Một loạt thỏa thuận hợp tác,
Tuyên bố chung sau hội đàm tại thủ đô Tokyo, Thủ tướng Prayuth và người đồng cấp nước chủ nhà Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược dựa trên nền tảng quan hệ hữu nghị lâu năm. Hai nhà lãnh đạo thảo luận về sự hợp tác của Nhật Bản trong phát triển hệ thống đường sắt và cơ sở hạ tầng ở Thái Lan, trong đó có khả năng áp dụng công nghệ tàu cao tốc shinkansen của Nhật Bản tại quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó, Bangkok khẳng định quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản tới đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, Thủ tướng S.Abe tái khẳng định cam kết hợp tác của Tokyo trong kế hoạch phát triển Đặc khu kinh tế Dawei ở miền Nam Myanmar, dự án chung giữa Thái Lan và Myanmar. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng đề nghị Thái Lan sớm dỡ bỏ các giới hạn đối với thực phẩm nhập khẩu từ xứ Hoa anh đào, động thái đưa ra sau sự cố hạt nhân năm 2011 tại Nhật Bản do lo ngại nhiễm phóng xạ. Hai thủ tướng cũng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế, đẩy mạnh phát triển mạng lưới đường sắt Thái Lan và thúc đẩy việc hình thành các đặc khu kinh tế ở Đông Nam Á.
Nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 5-2014 và chính thức đảm nhận cương vị thủ tướng trong nội các lâm thời được thành lập vào tháng 8-2014, Thủ tướng Prayuth đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình hòa hợp dân tộc ở đất nước Chùa Vàng thông qua cuộc tổng tuyển cử dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay. Trong một phát biểu mới nhất trước thềm chuyến công du Nhật Bản, Thủ tướng Prayuth cho biết một dự thảo Hiến pháp sẽ được thông qua vào tháng 4 tới và sẽ trình lên Quốc vương phê chuẩn vào tháng 9. Theo đó chính phủ nước này cần thêm hai tháng sau đó để chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử nhằm tiến tới thành lập một chính phủ mới.
Để tiến trình này được triển khai một cách hiệu quả, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng do biểu tình đang được Chính phủ của Thủ tướng Prayuth đặt trọng tâm ưu tiên. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng hợp tác kinh tế với các quốc gia ASEAN cũng như các đối tác quan trọng của ASEAN như Nhật Bản là hết sức cần thiết. Là một trong những đối tác cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn hàng đầu cho các quốc gia ASEAN - trong đó có Thái Lan, việc đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản, đặc biệt với các doanh nghiệp của nước này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan sớm lấy lại đà tăng trưởng và qua đó góp phần ổn định tình hình chính trị trong nước. Với Nhật Bản, kể từ khi trở lại nắm quyền cuối năm 2012 đến nay Thủ tướng S.Abe đã thể hiện rõ chính sách đối ngoại hướng đến các nước Đông Nam Á như một phần của học thuyết đối ngoại an ninh mới "kiềng ba chân" dựa trên ba trụ cột chính là liên minh Mỹ - Nhật Bản, luật pháp quốc tế và quan hệ với ASEAN. Trong bối cảnh đó, tạo mối quan hệ kinh tế và chính trị gần gũi với Thái Lan, nền kinh tế đầu tàu trong ASEAN là một bước đi cần thiết.
Tuy nhiên, để đạt được sự hợp tác thành công như mong đợi, chính trường Thái Lan phải có sự ổn định bền vững. Cho đến nay, vẫn tồn tại những quan ngại về việc liệu một cuộc tổng tuyển cử khách quan và an toàn có thể diễn ra theo đúng kế hoạch khi nhiều yếu tố bất ổn vẫn chưa bị loại trừ. Mới đây Phó Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam tuyên bố, tình trạng thiết quân luật tiếp tục được áp đặt tại nước này vì các lý do an ninh. Vì thế, trong cuộc hội đàm cấp cao tại Tokyo vừa qua, Thủ tướng S.Abe đã hối thúc Thủ tướng Prayuth đẩy mạnh khôi phục chính quyền dân sự dân chủ ở Thái Lan, đồng thời khẳng định điều này có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm sự ổn định lâu dài ở quốc gia Đông Nam Á.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.