(HNMO) - Chiều 7-12, kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố khóa XV tiếp tục làm việc, tập trung thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy khóa XVI, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương.
Đề xuất nhiều giải pháp phát triển
Ngay đầu giờ, nhiều đại biểu đã đăng ký phát biểu thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Tổ Tây Hồ) đề cập việc thực hiện các dự án đầu tư công còn khó khăn và chậm, qua đó đề nghị UBND thành phố tìm ra nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất là việc điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công. Trước thực trạng nhiều dự án đã nằm trong danh mục nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chậm, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị UBND thành phố tiếp tục sâu sát với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) kiến nghị thành phố cần tiếp tục sâu sát với cộng đồng doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời và tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong tiếp cận chính sách. Đánh giá cao việc Hà Nội chọn cải cách thể chế là một trong ba khâu đột phá, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để “chấm điểm” lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện; thành lập cơ quan giám sát việc cắt giảm các rào cản đối với sản xuất kinh doanh...
Đại biểu Phạm Hải Hoa (Tổ Phú Xuyên) nhận định, trong năm 2020, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, lãnh đạo các huyện cũng thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nông dân, theo hướng “tăng đối thoại, giảm bức xúc”, từ đó đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng chung.
“Năm 2021, để Thủ đô trở nên “xanh, sạch, đẹp và đáng sống”, bên cạnh phát triển đô thị, thành phố cần tiếp tục quan tâm đến khu vực nông thôn; phát triển nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, bền vững... Ngoài ra, thành phố cần kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa Luật Đất đai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn”, đại biểu Phạm Hải Hoa phát biểu.
Cần tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư, giải ngân được vốn
Về định hướng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố, trên cơ sở tính toán, cân đối nguồn ngân sách thành phố theo các kịch bản về thu - chi ngân sách giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến tổng mức kế hoạch vốn đầu tư trung hạn cho giai đoạn này khoảng 206.750 tỷ đồng. Dự kiến tổng mức đầu tư trên sẽ được cân đối cho nhiệm vụ chi ngân sách thành phố là 185.150 tỷ đồng và chi các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu, đề án, kế hoạch của thành phố là 21.600 tỷ đồng.
Thành phố đề ra mục tiêu đầu tư công trong giai đoạn này là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quyết nghị; các định hướng tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 của thành phố.
Định hướng đầu tư được thành phố dự kiến tập trung vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung, những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những dự án đặc thù mang tính nhà nước tại 11 ngành, lĩnh vực được xác định là trọng tâm đầu tư trong giai đoạn 2021-2025. Thành phố không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư, đồng thời khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu cơ bản đồng tình với định hướng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp thành phố. Đại biểu Nguyễn Văn Nam (Tổ Hai Bà Trưng) cho rằng, nhiệm kỳ vừa qua, chưa năm nào giải ngân được hơn 80% vốn đầu tư công. Đến thời điểm này của năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đã có những tín hiệu tích cực với sự chỉ đạo sát sao, trách nhiệm của Thành ủy, sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND thành phố. Đại biểu cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm để 5 năm tới chúng ta áp dụng vào công tác chỉ đạo, điều hành.
Đại biểu Nguyễn Văn Nam cũng đề nghị cần xem xét vướng mắc trong việc mua sắm tập trung được tổ chức ở cấp thành phố, rút ngắn danh mục mua sắm tập trung do UBND thành phố quy định; việc phân cấp quản lý trong một số lĩnh vực theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19-9-2016 về ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư tại một số dự án hạ tầng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng…
Đại biểu Trương Hải Long (Tổ Quốc Oai) cho rằng, một số dự án đầu tư đang vướng mắc ở việc chưa được phê duyệt quy hoạch và quy hoạch phân khu. Do đó, đại biểu đề nghị cần tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư thực hiện đầu tư, giải ngân được vốn, tạo tiền đề cho sự phát triển của thành phố trong bối cảnh xảy ra dịch Covid-19…
Tiếp thu, giải trình, làm rõ ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã sửa đổi, bổ sung nhiều lần về phân cấp quản lý đối với lĩnh vực thủy lợi, du lịch. Cơ bản hiện nay còn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực giao thông, xây dựng, đang tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi.
Tại kỳ họp, 100% đại biểu đã tán thành thông qua định hướng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cấp thành phố của thành phố Hà Nội.
Chiều cùng ngày, HĐND thành phố Hà Nội đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách thành phố năm 2019.
* Ngày mai (8-12), HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục làm việc, đồng thời thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn, tập trung vào các vấn đề dân sinh bức xúc, cử tri Thủ đô quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.