Ngày 28-3, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 10...
Ảnh: TTXVN |
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, góp ý kiến vào từng điều, khoản, góp phần xây dựng bản báo cáo của Ban Chỉ đạo thực sự khoa học, thực tiễn, đáp ứng mục tiêu xây dựng bản Hiến pháp mới của đất nước. Các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản đồng tình với các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các thành viên Ban Chỉ đạo đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung cơ bản quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như Chế độ chính trị; Quyền con người, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chủ tịch nước; Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân... Các thành viên Ban Chỉ đạo tán thành với quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, khẳng định đây là vấn đề cốt lõi của chế độ chính trị pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội cần phải được xác định rõ trong Hiến pháp…
Lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu vào dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao những phân tích sâu sắc và tâm huyết, thể hiện sự nghiên cứu sâu sát và bao quát trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn của các đại biểu. Chủ tịch nước đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đề nghị, thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu trên tinh thần nghiêm túc, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo góp ý của Ban Chỉ đạo để gửi lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhằm xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng được tâm nguyện của toàn Đảng, toàn dân.
* Cùng ngày, Đoàn Khối các cơ quan TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị giữ lại các quy định về thanh niên theo Hiến pháp năm 1992, bởi trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên và công tác thanh niên. Các ý kiến thống nhất đề nghị Ủy ban Soạn thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 giữ lại quy định hiện hành tại Điều 36 và Điều 66 của Hiến pháp năm 1992, hoặc quy định một điều mới về thanh niên ở chương Chế độ chính trị. Việc có quy định một điều về thanh niên trong Hiến pháp nhằm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có hành lang pháp lý để học tập, cống hiến và phát huy năng lực của mình tốt hơn. Ngoài ra, hội nghị đã có hơn 10 lượt ý kiến trao đổi về tên gọi của Nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.