Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh

Theo TTXVN/Báo Tin tức| 24/12/2020 13:50

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 132/2020/QH14 thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Nhà gỗ du lịch xây dựng trên đất quốc phòng tại bãi biển Hồng Vàn, huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh. Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN

Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, bao gồm: Nguyên tắc, chế độ sử dụng đất; trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; việc xử lý dự án, hợp đồng đã thực hiện và việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn.

Đối tượng áp dụng là đơn vị quân đội, đơn vị công an, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trực tiếp làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Nghị quyết nêu rõ: Việc sử dụng đất quốc phòng, an ninh phải bảo đảm phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh là chính; trường hợp sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Đất quốc phòng, an ninh sử dụng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và phương án sử dụng đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Nghị quyết, chỉ đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 và đối tượng được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; không được sử dụng đất quốc phòng, an ninh để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện hợp đồng liên doanh, liên kết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về chế độ sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Nghị quyết quy định: Đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, để kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.

Phương án sử dụng đất bao gồm các nội dung chính là: Vị trí, ranh giới, diện tích, hiện trạng sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được giao; vị trí, diện tích đất, nội dung, thời hạn sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; tác động đối với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội; các trường hợp chấm dứt sử dụng đất kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trước thời hạn; phương án xử lý tài sản gắn liền với đất được tạo lập để phục vụ hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế trong trường hợp chấm dứt sử dụng trước thời hạn; các giải pháp tổ chức thực hiện. 

Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức lao động, giáo dục, giáo dục cải tạo, rèn luyện, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, dịch vụ hỗ trợ hậu cần - kỹ thuật thì không phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định của Nghị quyết này.

Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không thuộc trường hợp quy định trên thì phải nộp tiền sử dụng đất hằng năm. Tiền sử dụng đất hằng năm được xác định trên cơ sở diện tích đất sử dụng, giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai và tỷ lệ doanh thu ngoài nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Nghị quyết cũng quy định rõ quyền, nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.

Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an được sử dụng đất quốc phòng, an ninh và tài sản gắn liền với đất để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng phương án đã được phê duyệt; được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

Các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; nộp tiền sử dụng đất hằng năm theo quy định tại Nghị quyết này.

Các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2-2021 và hết hiệu lực khi Luật Đất đai số 45/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật, nghị quyết khác của Quốc hội ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành về cùng một vấn đề trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.