Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ vướng mắc kinh phí duy tu hệ thống đê điều

Kim Nhuệ| 13/09/2021 07:28

(HNM) - Duy tu, bảo dưỡng là một trong những công việc quan trọng để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thực hiện quy định mới của Bộ Tài chính đã phát sinh vướng mắc về thẩm quyền chi kinh phí cho công tác này. Để bảo đảm nguồn lực duy tu hệ thống đê điều, thành phố Hà Nội đang tập trung tháo gỡ vướng mắc trên.

Nhiều vị trí mặt đê hữu Hồng, đoạn thuộc địa bàn xã Cổ Đô (huyện Ba Vì) bị hư hỏng cần sửa chữa.

Đê hữu Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Ba Vì không chỉ làm nhiệm vụ phòng, chống lũ mà còn là tuyến giao thông huyết mạch của 10 xã, thị trấn. Tuy nhiên, quan sát đoạn đê này thuộc địa bàn các xã, thị trấn: Tây Đằng, Cổ Đô, Chu Minh, Đông Quang, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy nhiều vị trí mặt đê bị nứt nẻ, lồi lõm, xuất hiện hố nước sau mỗi trận mưa... Tình trạng hư hỏng bề mặt còn xuất hiện trên nhiều đoạn đê thuộc các tuyến: Hữu Đáy (thuộc địa bàn huyện Mỹ Đức), tả Cà Lồ (huyện Sóc Sơn), Vân Cốc (huyện Phúc Thọ)...

Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì Nguyễn Thị Minh Thanh, nguyên nhân dẫn đến bề mặt một số đoạn đê hữu Hồng thuộc địa bàn Ba Vì bị hư hỏng là do đê xây dựng đã lâu, kết cấu không đồng chất, nhiều phương tiện lưu thông... Hạt đã báo cáo đề xuất bố trí kinh phí sửa chữa...

Theo quy định về phân cấp đê, Hà Nội có gần 38km đê cấp đặc biệt, gần 250km đê cấp I, hơn 45km đê cấp II, hơn 72km đê cấp III, hơn 160km đê cấp IV, hơn 62km đê cấp V và gần 214km đê chưa được phân cấp... Bộ NN&PTNT và thành phố Hà Nội quản lý, đầu tư các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; cấp huyện quản lý, đầu tư các tuyến đê còn lại.

Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm, ngân sách trung ương (Bộ NN&PTNT) đầu tư khoảng 25 tỷ đồng, ngân sách thành phố Hà Nội đầu tư khoảng 375 tỷ đồng chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều. Nhờ thường xuyên duy tu, bảo dưỡng nên hệ thống đê điều của Hà Nội đã giảm phát sinh hư hỏng lớn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ theo tần suất thiết kế...

Tuy nhiên, ngày 15-7-2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 68/2020/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý cấp bách sự cố đê điều thay thế Thông tư liên tịch số 48/2009/TTLT-BTC-BNN ngày 12-3-2009 giữa Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT về cùng lĩnh vực. Theo đó, ngân sách trung ương sẽ chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều đối với các tuyến đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III. Ngân sách địa phương chi cho các tuyến đê cấp IV và cấp V... Vì vậy, Hà Nội đang gặp khó khăn trong bố trí nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng một số tuyến đê thuộc cấp III trở lên...

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Phạm Quang Đông, để bảo đảm nguồn lực duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều, các sở, ngành đã tham mưu UBND thành phố báo cáo bộ, ngành liên quan tìm biện pháp tháo gỡ. Ngày 16-8-2021, UBND thành phố Hà Nội có Tờ trình HĐND thành phố về xây dựng Nghị quyết của HĐND thành phố phê duyệt nội dung, nhiệm vụ chi duy tu, bảo dưỡng và xử lý cấp bách sự cố đê điều do thành phố Hà Nội quản lý... Trong khi chờ đợi ngân sách để duy tu, bảo dưỡng, Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội đang phối hợp với các địa phương chủ động kiểm tra hệ thống đê điều, rà soát những điểm xung yếu để tổ chức bảo vệ hệ thống đê, bảo đảm an toàn, giảm nguy cơ xảy ra sự cố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc kinh phí duy tu hệ thống đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.