(HNM) - Ngày 29-4, tại TP Hồ Chí Minh, Hội nghị
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội). Ảnh: nhật nam |
Sự cầu thị, chân thành là phương châm xuyên suốt của cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ, khai thông các rào cản giúp doanh nghiệp bứt phá để phát triển.
Đồng hành cùng tháo gỡ khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, riêng thuế và phí chiếm hơn 40% chi phí của doanh nghiệp, có quá nhiều loại phí, cả chính thức và không chính thức. Trong khi đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, chúng ta đang có "khoảng trống" về pháp lý, trong khi đó, sự nhũng nhiễu, cửa quyền vẫn còn diễn ra thường xuyên.
Theo VCCI, tính đến ngày 31-12-2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%). Riêng quý I-2016, cả nước có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng, nhưng chênh lệch giữa số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể, ngừng hoạt động đang thu hẹp lại.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, điều đáng lo ngại là hiện nay chỉ có khoảng 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, hơn một nửa còn lại (58%) là thua lỗ hoặc hòa vốn. "Đây là điều không bình thường, nó phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh của chúng ta đang xấu đi" - ông Vũ Tiến Lộc đề nghị 5 năm tới cần được xác định là 5 năm "quốc gia khởi nghiệp", cả nước dồn sức phát triển doanh nghiệp.
"Tôi đề xuất dưới luật chỉ nên có 1 nghị định, không có thông tư. Xử lý mạnh những cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp", Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà kiến nghị. Đồng tình với kiến nghị này, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho rằng: Quy định chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tạo cơ hội để cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp, đặc biệt, cần bỏ "giấy phép con" đúng với tinh thần của Luật Doanh nghiệp sửa đổi. "Nếu có môi trường tốt, cạnh tranh bình đẳng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát triển không thua kém các doanh nghiệp trên thế giới. Phải xem doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ chứ không phải là đối tượng chịu sự quản lý", bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến Lễ ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giữa UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.Ảnh: Thống Nhất – TTXVN |
Liên quan đến chuyện doanh nghiệp đang "gánh" rất nhiều loại phí, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để giảm chi phí chính thức và không chính thức mà doanh nghiệp đang gánh chịu. Đồng thời, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói đến môi trường đầu tư nhiều người thường nghĩ đến thủ tục đầu tư, thuế hay hải quan. Thực tế không phải vậy, tất cả các bộ, ngành, các địa phương đều liên quan và có trách nhiệm như nhau. Vấn đề là phải cùng bắt tay, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ "kêu" khó là chưa đủ mà cần phải đề xuất giải pháp để đồng hành với các cơ quan chức năng cùng tháo gỡ.
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ký cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã ký cam kết tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, nội dung cam kết giữa hai thành phố với đại diện VCCI nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước nói chung tập trung cụ thể vào những chỉ tiêu có tính chất định lượng tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp. TP Hà Nội sẽ cam kết phấn đấu đi đầu cả nước về thực hiện chính quyền điện tử; các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng giải quyết trong vòng 2 ngày, giảm 1 ngày so với quy định và 100% hồ sơ đăng ký qua mạng giải quyết đúng thời hạn; duy trì quy định doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử 95%; doanh nghiệp nộp thuế điện tử 90%; cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài so với quy định; giảm 20% thủ tục hành chính trong lĩnh vực, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và giảm 30-50% trong lĩnh vực quy hoạch. |
Nhấn mạnh Việt Nam có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, đồng thời khẳng định, Chính phủ coi doanh nghiệp chính là động lực trong xây dựng, phát triển đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế, quy mô đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh.
Cùng với việc bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, Chính phủ sẽ bảo đảm kinh tế vĩ mô, môi trường hòa bình, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng và người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Ưu tiên cho người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.
Thủ tướng cũng khẳng định, 96% doanh nghiệp nước ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh nên cần có chính sách riêng để tạo điều kiện phát triển hội nhập. Đảng, Nhà nước "coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế".
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ ngăn chặn việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp hoạt động công ích, hoạt động có tính rủi ro lớn, làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, Nhà nước có cơ chế quản lý phù hợp. Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trước mắt Chính phủ sẽ không tăng thuế, phí, lãi vay ngân hàng, đặc biệt sẽ giảm 1% khi cho vay các khoản trung và dài hạn, lĩnh vực ưu tiên. Thủ tướng cũng yêu cầu thanh tra, kiểm toán thuế cần minh bạch để chống tiêu cực. Bộ máy hành pháp, tư pháp, lập pháp cần phải hợp lực để tạo môi trường mới cho doanh nghiệp hoạt động.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ thảo luận và soạn thảo ngay Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Như vậy, cùng với Nghị quyết 19 vừa được ban hành, sẽ có hai nghị quyết cùng cộng hưởng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Chiều 29-4, ngay sau hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp với các thành viên Chính phủ để xem xét, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Cũng tại hội nghị này, Chính phủ đã thảo luận và xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp. Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ đã đưa ra các giải pháp cụ thể đối với các kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung vào những nhóm vấn đề lớn là đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường; tiếp cận vốn, tín dụng; đất đai, xây dựng, môi trường; thuế, hải quan; chi phí kinh doanh; công tác thanh tra, kiểm tra; quy định về giao dịch bảo đảm; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các bộ, ngành khẳng định cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, khẩn trương giải quyết, trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp với tinh thần phục vụ, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từng bộ, ngành đều khẳng định sẽ có các chương trình hành động cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đồng thời mong muốn bản thân các doanh nghiệp nỗ lực vươn lên, đề cao trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh. Phát biểu kết luận hội nghị bất thường này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải thay đổi tư duy, cách làm, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đã đề ra. Nhấn mạnh đến yêu cầu bức thiết của việc tăng cường năng lực của cả hệ thống trong thực thi công vụ, Thủ tướng đề nghị tập thể Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chủ động có biện pháp tháo gỡ các khó khăn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các bộ trưởng, trưởng ngành giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trên tinh thần đổi mới. Đối với vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.