Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháo gỡ ''nút thắt''

Đỗ Quỳnh Chi| 07/03/2023 06:03

(HNM) - Sự việc cháu P.T.Đ (17 tháng tuổi; ở thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín) tử vong do bị hai đối tượng trông trẻ ở cơ sở mầm non tự phát trên địa bàn gây ra khiến dư luận phẫn nộ những ngày qua. Điều đáng nói, nhóm trông giữ trẻ tự phát này không có biển hiệu trường lớp, được thuê lại của một người dân và thường đóng kín cửa, khi có phụ huynh đến đón mới mở để giao con lại cho các gia đình. Cơ sở này đã tồn tại vài năm và từng bị lập biên bản xử lý về hành vi hoạt động “chui”. Tuy nhiên, sau đó nhóm trông giữ trẻ vẫn lén lút hoạt động giữa khu dân cư đông đúc.

Câu chuyện trên cũng đã lặp đi lặp lại ở nhiều địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa… thời gian qua. Sau mỗi sự việc đau lòng  xảy ra lại là những đợt rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh...

Thực tế cho thấy, nhu cầu gom lớp, trông giữ trẻ tại nhà của công nhân có thu nhập thấp, không có hộ khẩu ở nơi tạm trú hiện nay rất lớn. Do đó, các nhóm 3-5 trẻ, thậm chí hàng chục trẻ được phụ huynh gom lại rồi liên hệ với cô giáo trông giúp hoặc thấy cô giáo mầm non trông trẻ tại nhà, các phụ huynh đến đặt vấn đề gửi con. Điều đó dẫn đến nhiều nhóm trông trẻ tự phát mọc ra bởi nhu cầu gửi trẻ để phụ huynh đi làm. Trong khi đó, ở các trường mầm non công lập hoặc trường tư thục được cấp phép, thời gian trông trẻ thường quy định từ 6h30 đến 16h30 hằng ngày mà giờ làm của cha mẹ các cháu lại không như vậy.

Cùng với tình trạng thiếu trường lớp cho con em công nhân, bất cập hiện nay là các trường công lập chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi, trong khi công nhân nữ chỉ được nghỉ thai sản 6 tháng. Như vậy, trong khoảng thời gian trẻ từ 6 tháng đến 18 tháng tuổi, người lao động không biết gửi con ở đâu nếu như không có gia đình hỗ trợ. Thực trạng đó trở thành nỗi lo về độ an toàn với con trẻ và những ẩn họa có thể xảy ra tiếp tục kéo dài.

Do đó, vấn đề đặt ra là cùng với việc siết chặt quản lý các điểm trông giữ trẻ tự phát, phải đẩy nhanh xây dựng các trường mầm non công lập tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; đồng thời có chính sách phù hợp giữa chế độ nghỉ thai sản và quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào các nơi giữ trẻ an toàn. Đây được xem là hai “nút thắt” lớn hiện nay và nếu không tháo gỡ được thì việc giải quyết vẫn chỉ dừng lại ở “phần ngọn”.

Ngoài ra, qua các vụ việc bạo hành trẻ em đã xảy ra, cơ quan quản lý cần xây dựng chế tài mạnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm răn đe, ngăn ngừa những hành vi sai trái này trong các cơ sở giáo dục mầm non. Theo quy định của pháp luật, quản lý trường mầm non trước hết thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện. Vì vậy, cấp chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm của các cơ sở giáo dục mầm non. Chủ động phối hợp UBND cấp xã tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn về giấy phép hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ giáo viên theo quy định của ngành; kiên quyết đình chỉ các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động.

Mặt khác, phụ huynh cần phát huy trách nhiệm của mình trong việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non thông qua việc xem xét kỹ thông tin pháp lý của cơ sở trông giữ trẻ trước khi gửi con em mình; phản ánh kịp thời hành vi sai trái, tiêu cực của các cơ sở với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ ''nút thắt''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.