(HNM) - Một vấn đề “nóng” trên nghị trường Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong hơn 2 ngày vừa qua là việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp còn nhiều rào cản và tiềm ẩn rủi ro.
Thực tế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã nổi lên nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Đó là, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cần kinh phí rất lớn để xây dựng hạ tầng, sản xuất, đào tạo nhân lực, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ruộng đất quy mô nhỏ lẻ cũng gây cản trở cho đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ theo vùng sản xuất tập trung. Chưa kể, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn hẹp, không ổn định.
Bên cạnh đó là bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao… Lĩnh vực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng những công cụ phòng ngừa như bảo hiểm, quỹ đầu tư… lại chưa phát triển tương xứng.
Phải khẳng định, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, là “bệ đỡ” cho nền kinh tế, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, tình hình thế giới phức tạp... Vì thế, việc giải quyết các khó khăn, thách thức nội tại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản, bảo đảm sinh kế và gia tăng thu nhập cho nông dân, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung, là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là làm thế nào để tháo gỡ được những “điểm nghẽn”, rào cản về cơ chế, chính sách, qua đó củng cố niềm tin cho nhà đầu tư (bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân…).
Nói cụ thể hơn, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhất là cơ chế về nguồn vốn, tập trung đất đai theo nguyên tắc thị trường, đào tạo nhân lực, tạo thuận lợi về thủ tục hành chính…
Cùng với đó, các bộ, ngành cần tiếp tục dành nguồn lực, tạo điều kiện cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường. Nói cách khác, cần hình thành cơ chế, chính sách căn bản nhằm đạt mục tiêu sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng nhanh chóng đến với sản xuất và tiêu dùng, trên tinh thần khuyến khích các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu công lập hợp tác, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp.
Các bộ, ngành chức năng và địa phương cũng cần chú trọng công tác tổ chức và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản ở cả trong và ngoài nước. Trong đó, nông sản sản xuất từ công nghệ cao là một lợi thế để chúng ta nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Làm tốt việc này sẽ hóa giải được nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu; dân số tăng kéo theo nhu cầu lương thực - thực phẩm tăng; diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng bị thu hẹp; quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản cao hơn…
Và hơn hết, làm tốt việc này sẽ góp phần quan trọng nâng cao đời sống của hàng triệu hộ nông dân và đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.