(HNMO) - Trong lĩnh vực cải cách tài chính công, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tiếp tục duy trì trên 80%, về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra.
Chiều 30-9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28-6-2016 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững”; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 29-6-2016 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hoá từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại” và Chương trình số 08-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020” của Thành ủy khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU.
Dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện một số bộ, ban, ngành trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã…
Những kết quả quan trọng, toàn diện
Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Ngọc Nam cho biết, sau 5 năm thực hiện, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,39%/năm, hoàn thành mục tiêu đại hội đề ra. Hà Nội cũng tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước với tỷ trọng trên 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách và 8,6% kim ngạch xuất khẩu…
Đáng chú ý, trong 12 chỉ tiêu và nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội, chỉ tiêu số lượng khách du lịch hằng năm và chỉ tiêu thành phần “xếp hạng chỉ số PCI” đã về đích trước kế hoạch 2 năm. Hai chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch là tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và năng suất lao động xã hội bình quân. Bảy chỉ tiêu còn lại dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đặt ra…
[Tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình - động lực thúc đẩy kinh tế Hà Nội]
Đối với Chương trình số 06-CTr/TU, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Ban Chỉ đạo đã xây dựng danh mục dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, trong đó có 38 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị. Theo kế hoạch đến năm 2020, Hà Nội cần hoàn thành 17 dự án, tuy nhiên do khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng và huy động các nguồn lực đầu tư nên thành phố phấn đấu đến hết năm 2020 hoàn thành 12 dự án và 5 dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2022.
Đến nay, tổng công suất cấp nước từ các nhà máy nước tập trung đã đạt khoảng 1.520.000m3/ngày - đêm, cơ bản bảo đảm đủ nguồn nước sạch cung cấp cho người dân đô thị và các khu vực nông thôn liền kề. Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh được khởi xướng từ năm 2016 đã về đích sớm 2 năm…
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà lại cho biết, đối với Chương trình 08-CTr/TU, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã rà soát, đánh giá đối với 261 thủ tục hành chính; đơn giản hóa đối với 183 thủ tục, tiết kiệm cho người dân, tổ chức 201,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 31-8-2020, thành phố cung ứng 1.671 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tỷ lệ tinh giản biên chế công chức toàn thành phố đạt 8,7%.
“Trong lĩnh vực cải cách tài chính công, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) của Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) tiếp tục duy trì trên 80%, về đích sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra”, đồng chí Vũ Thu Hà khẳng định.
[Cải cách hành chính góp phần tích cực phát triển Thủ đô]
Xây dựng 4 chương trình công tác mới để tiếp tục thực hiện nội dung 3 chương trình
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy phát biểu kết luận hội nghị, ghi nhận, đánh giá cao kết quả của mỗi chương trình, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh khẳng định, đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, nhất là ban chỉ đạo các chương trình.
Phân tích, chỉ rõ một số hạn chế trong thực hiện 3 chương trình cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đồng chí Chu Ngọc Anh nêu rõ, nhiệm vụ đề ra của các chương trình này không chỉ có ý nghĩa quan trọng, cấp bách của nhiệm kỳ 2015-2020 mà còn là vấn đề hết sức cơ bản, lâu dài của Đảng bộ thành phố trong những giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, tại dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy, trong đó có 4 chương trình sẽ kế thừa và tiếp tục thực hiện các chương trình số 03-CTr/TU, 06-CTr/TU, 08-CTr/TU của Thành ủy khóa XVI.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị, thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội thành phố cần khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời, bám sát các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.
Lưu ý về 3 nhiệm vụ phát triển kinh tế, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đề nghị các cấp, các ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong đó, cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để cải thiện xếp hạng của các chỉ số PAPI, PCI, PAR Index, nhất là chỉ số PAPI.
Đồng thời, các cấp, các ngành tập trung thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của Thủ đô; chú trọng hơn nữa trong việc tạo đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực phía Nam thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế đồng đều ở các khu vực.
Nhấn mạnh 9 nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị. Thành phố phải lập quy hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch chuyên ngành liên quan; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển của Hà Nội.
Các cấp, các ngành triển khai hiệu quả chương trình phát triển đô thị, chú trọng kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn; xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công; triển khai xây dựng đô thị thông minh trên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung xây dựng đô thị vệ tinh tại Hòa Lạc, Sóc Sơn; tiếp tục đẩy mạnh các dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở của người dân; thực hiện có hiệu quả các chủ trương về cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng, tái thiết thành các khu đô thị văn minh, hiện đại.
Yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt 7 nhóm nhiệm vụ về cải cách hành chính của Chương trình số 08-CTr/TU, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của thành phố giai đoạn 2020-2025 theo sự chỉ đạo của Chính phủ gắn với Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Các cấp, các ngành tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” theo hướng hiện đại; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác tuyển dụng; triển khai kế hoạch thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý; tiếp tục triển khai công tác đánh giá tháng, phân loại, khen thưởng, kỷ luật theo các tiêu chí cụ thể, gắn với chất lượng, hiệu quả công việc và là cơ sở để xem xét thu nhập tăng thêm; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính.
* Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU; 8 tập thể, 7 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU; 9 tập thể, 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.