(HNM) - Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2012, cả nước thanh tra được 4.184 cuộc về pháp luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và 1.366 cuộc kiểm tra liên ngành. Con số này quá khiêm tốn so với hơn 3,7 triệu doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Cá biệt, có những tỉnh như Vĩnh Long, Vĩnh Phúc cả năm không thực hiện được một cuộc thanh tra liên ngành nào.
Cả nước hiện có 420 thanh tra viên trong ngành lao động, tuy nhiên chỉ 1/3 (khoảng 130 người) trong số đó làm công tác thanh tra về ATVSLĐ. Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước hiện nay là 3.750.000 doanh nghiệp. Như vậy, tính bình quân một thanh tra viên phải quản lý hơn 1.300 doanh nghiệp. Đáng lo ngại khu vực nông thôn, nơi để xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) nhiều nhất thì hầu như không có thanh tra lao động. Cụ thể, trung bình 100.000 NLĐ trong khu vực nông nghiệp thì có khoảng 799 người bị tai nạn khi sử dụng điện và 856 người bị tai nạn trong sử dụng máy nông nghiệp.
Theo ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, để thanh tra hết số doanh nghiệp trên, trung bình mỗi thanh tra phải mất 40 năm để hoàn thành nhiệm vụ. Cũng theo ông Thắng, việc thanh tra lao động của các tỉnh thường chỉ làm lấy lệ, trong đó, việc thanh tra chủ yếu diễn ra tại các doanh nghiệp Nhà nước, còn các doanh nghiệp khác thì rất ít: 60% cuộc tại doanh nghiệp Nhà nước, 20% tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chỉ 6% là thanh tra với các loại hình khác. Do vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có lao động tự do, lao động nông nghiệp không được thanh tra.
Ông Hà Tất Thắng cho biết thêm: Không chỉ thiếu, nguồn thanh tra viên còn yếu kém về trình độ. Có tới 30 - 50% cán bộ mới ra trường hoặc chuyển công tác. 25% cán bộ có trình độ cao đẳng, trung cấp.
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lực lượng lao động ngày một tăng cao thì tỷ lệ thuận với đó là số vụ TNLĐ. Tuy nhiên, TNLĐ gia tăng tới mức báo động đã trở thành vấn đề đáng lo ngại của toàn xã hội. Do đó, việc xây dựng một môi trường ATLĐ là yêu cầu bức xúc. Theo PGS.TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam: Việc không có phiên hiệu thanh tra ATVSLĐ là một nguyên nhân làm cho công tác thanh tra nhà nước về ATLĐ thời gian qua giảm về số lượng và sút kém về chất lượng.
Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần sớm kiện toàn, bổ sung hệ thống các văn bản dưới luật về ATVSLĐ cho phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012. Nhà nước xem xét lại việc tái thành lập Thanh tra Nhà nước chuyên ngành về ATVSLĐ phù hợp với thực tế hiện nay, đồng thời nâng mức xử phạt hành chính vi phạm lĩnh vực ATVSLĐ. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm lực lượng thanh tra để tránh các khu vực nông thôn luôn ở tình trạng "ngoài vùng phủ sóng" do không có đội ngũ thanh tra lao động kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện quy định của pháp luật về ATLĐ.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, từ đầu năm 2012 đến nay cả nước đã xảy ra 3.060 vụ TNLĐ, làm 3.160 người bị nạn. Trong số đó có 256 vụ TNLĐ có người tử vong khiến 279 người tử vong, 671 người bị thương nặng. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương có số vụ tai nạn và số người tử vong vì TNLĐ nhiều nhất… Tuy nhiên số vụ TNLĐ bị truy tố rất hiếm hoi, Thanh tra lao động chỉ có thẩm quyền chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra xem xét khởi tố, còn việc khởi tố không phải thẩm quyền của ngành lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.