Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh

Hà Linh| 30/07/2022 07:47

(HNM) - Việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến gắn với thanh toán không dùng tiền mặt như gọi xe công nghệ, giao hàng, mua hàng hóa, dịch vụ trên các nền tảng thương mại điện tử, hay thanh toán không tiếp xúc tại các điểm bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa... tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Nắm bắt xu thế, các ngân hàng cũng chú trọng thúc đẩy hoạt động này.

Khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm thương mại Aeon Mall (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66%. Cả nước đã có thêm khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới trực tuyến. Trong số 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, có gần 660.000 là khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Giám đốc quốc gia Visa Việt Nam - Lào Đặng Tuyết Dung cho biết, tại khu vực Đông Nam Á, những năm gần đây, tỷ lệ người dân sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, như thẻ ngân hàng hay ví điện tử trên thiết bị di động rất cao, trung bình khoảng 93%. Với Việt Nam, tỷ lệ tiếp cận internet, sử dụng điện thoại thông minh lớn là một lợi thế, tác động vào hành vi người tiêu dùng, chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức không dùng tiền mặt. Số lượng người tiêu dùng không dùng tiền mặt ở Việt Nam ngày càng tăng. Ước tính cứ 3 người thì 2 người đã từng sử dụng phương thức thanh toán không cần dùng tiền mặt.

Thực tế, không chỉ trong giai đoạn ứng phó với dịch Covid-19, mà trước đó, các ngân hàng cũng tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Lưu Trung Thái cho rằng, xã hội không tiền mặt mang lại nhiều giá trị thiết thực. Với cá nhân, các giao dịch sẽ được an toàn, mang lại trải nghiệm, không bị gián đoạn và có thể liên kết với hàng nghìn nhà cung cấp, như với MB đang bán 30.000 sản phẩm trên nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy vậy, theo ông Lưu Trung Thái, thách thức đặt ra trong chuyển đổi số là các vấn đề liên quan đến lãnh đạo, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh. Việc chuyển đổi số cần đầu tư với quy mô lớn, nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi rất lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí, nên bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự rất khó tính được. Về giải pháp thúc đẩy hơn nữa thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lưu Trung Thái đề xuất cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành Ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn; tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng.

Còn theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Nguyễn Văn Hảo, với vùng nông thôn, việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khó khăn hơn. Với mạng lưới 329 điểm giao dịch khu vực nông thôn, HDBank đã xây dựng website cho những địa phương này, hỗ trợ người dân vay, thanh toán và hướng dẫn kỹ năng sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hảo cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước ban hành sớm các khuôn khổ pháp lý chi tiết làm cơ sở cho các ngân hàng, công cụ thanh toán như ví điện tử... hợp tác, kết nối với nhau.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định, để đáp ứng nhu cầu, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt, ngành Ngân hàng đã đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng thanh toán, hệ thống công nghệ thông tin, triển khai công nghệ mới, giải pháp tiên tiến để thiết kế, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, thanh toán an toàn, thuận tiện, giá cả phù hợp, theo hướng lấy khách hàng làm trọng tâm. Ngân hàng Nhà nước cũng tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhiều chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đẩy mạnh triển khai kết nối, tích hợp thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.