Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành quả từ bám sát thực tiễn

Thế Đan| 20/07/2018 07:01

(HNM) - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các mặt.


Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Thủ đô thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, nâng địa bàn quản lý rộng lớn hơn, số đảng viên của Thủ đô chiếm khoảng 10% tổng số đảng viên của cả nước, mới thấy những giá trị đó thêm to lớn và ý nghĩa sâu sắc góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Kết quả đó trước hết là nhờ Thành ủy Hà Nội đã quán triệt, kịp thời ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình để cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 22-NQ/TƯ một cách đồng bộ, theo hướng bám sát yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Trong đó, Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội các khóa XV, XVI cũng là nhằm cụ thể hóa việc thực hiện nhiệm vụ này. Thực tế sinh động của những chuyển biến mạnh mẽ, thực chất khi thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ là năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy và tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên về nhiều mặt; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở được phát huy...

Việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội” là bước đi khẳng định quyết tâm cao của Đảng bộ thành phố trong việc thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ, nhất là ở những nơi còn nhiều vướng mắc, tồn tại. Công tác tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ trong quy hoạch cũng được làm thường xuyên.

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao phát huy hơn nữa kết quả thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ trong bối cảnh mới, khi đất nước và Thủ đô đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện?

Trước hết, mấu chốt chính là cần hoàn thành các nhiệm vụ mà Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đề ra trong Nghị quyết 15-NQ/TU. Đặc biệt, các cấp ủy cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; tập trung hướng về cơ sở; làm tốt công tác dự báo và giải quyết kịp thời những vi phạm, tiêu cực. Đối với những địa bàn đã phát sinh phức tạp, nếu có nguyên nhân cán bộ yếu kém về bản lĩnh chính trị, năng lực công tác và phẩm chất, đạo đức thì phải kiên quyết xử lý, thay thế.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư đảng bộ, chi bộ, người đứng đầu và các cấp ủy viên. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, giữ vững, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác tổ chức và quản lý đội ngũ cán bộ, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình bảo đảm công khai, dân chủ trong công tác cán bộ, phát huy trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.

Mặt khác, một yêu cầu nổi bật, có tính xuyên suốt là mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là cần tiếp tục nâng cao vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị, đoàn thể, nhân dân.

Thực hiện tốt các phần việc trên, khi đó hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng việc thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ sẽ tiếp tục gặt hái những thành tựu lớn hơn nữa, góp phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành quả từ bám sát thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.