Quy hoạch

“Thành phố trong thành phố”: Tạo thế và lực đột phá

Bảo Hân 21/12/2023 - 06:41

Những đề xuất về mô hình 2 thành phố trực thuộc Thủ đô hay “thành phố trong thành phố” đang dần hoàn thiện tại các đồ án quy hoạch lớn của Hà Nội. Mô hình này được kỳ vọng là giải pháp tạo cơ chế cho chính quyền đô thị năng động, linh hoạt trong kêu gọi đầu tư và phát triển đột phá.

do-an-dieu-chinh-quy-hoach-.jpg
Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, quận Long Biên sẽ thuộc đô thị trung tâm. Ảnh: Quang Thái

Hoàn chỉnh cấu trúc Thủ đô Hà Nội

Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cho biết, Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo mô hình chùm, đa cực, đa trung tâm gồm: Đô thị trung tâm (đô thị phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm); thành phố phía Bắc (các huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn); thành phố phía Tây (đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai); cùng các đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và thị trấn sinh thái...

Trong đó, thành phố phía Bắc có diện tích 633km2 (gồm 385km2 đất xây dựng đô thị và 248km2 khu vực ngoại thị), định hướng chức năng dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Thành phố phía Tây có diện tích 251km2 (khoảng 135km2 đất xây dựng đô thị và 116km2 đất ngoại thị), là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Về mô hình thành phố phía Bắc, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương cho biết, đây là vùng áp dụng các cơ chế đặc thù tạo sự phát triển đột phá nhờ thu hút doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài bố trí cơ sở sản xuất, nghiên cứu. Tư vấn đánh giá, đến năm 2030 sẽ khả thi trong việc đô thị hóa khu vực Đông Anh, khu vực Mê Linh tương đương đô thị loại 3 và vùng Sóc Sơn tương đương đô thị loại 4. Về dài hạn, khu vực này sẽ là đô thị tập trung, loại 1. Với các khu vực còn lại, đơn vị tư vấn đề xuất giữ không gian xanh, nêm xanh và không đô thị hóa toàn bộ.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định sân bay thứ 2 tại Hà Nội với công suất 50 triệu hành khách/năm, được nghiên cứu sau năm 2030, thực hiện vào năm 2040.

“Với sân bay này, trong thời kỳ 2045-2065, Hà Nội hình thành một thành phố phía Nam. Đối chiếu với Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra nhiệm vụ xây dựng 2 thành phố phía Bắc và phía Tây với mốc thời gian tới năm 2045 thì việc hình thành thêm thành phố thứ 3 trong giai đoạn tiếp theo sẽ hoàn chỉnh cấu trúc không gian của Thủ đô Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn thông tin.

t4-thanhpho-trong-thanhph.jpg
Huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn được quy hoạch là thành phố phía Bắc với định hướng chức năng dịch vụ, hội nhập quốc tế. Trong ảnh: Một góc thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Nâng tầm lên đô thị đa cực

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc hình thành các “thành phố trong thành phố”, mở ra một định hướng mới cho Hà Nội khi đi kèm kỳ vọng nguồn lực đầu tư sẽ được đặt vào đúng trọng điểm, đúng thời điểm. Từ đó, sự phát triển của Thủ đô không chỉ đè nặng lên khu vực trung tâm như hiện nay.

“Thành phố trong thành phố” vẫn là những đô thị có khoảng cách, có nêm xanh để phân cách với thành phố trung tâm. Do đó, về bản chất vẫn là đô thị vệ tinh, đến lúc “đủ lớn”, “đủ khỏe”, đáp ứng đủ chỉ tiêu thì đô thị sẽ được công nhận là “thành phố trong thành phố”. Mô hình này chỉ khác đô thị vệ tinh ở cơ chế quản lý về hành chính, về chính sách phát triển, về phân cấp phân quyền để tạo ra động lực phát triển.

Còn theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mô hình đại đô thị (mega city) với một trung tâm đơn nhất đã trở nên lạc hậu, bởi quá tải về dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo… Một số đô thị lớn ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã chuyển các mô hình đô thị đơn cực này sang mô hình đô thị đa trung tâm. Ý tưởng phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” cũng được hình thành từ đây.

“Mô hình này đã phát triển ở nhiều quốc gia và đã thu được những kết quả đáng khích lệ khi làm thay đổi cấu trúc thành phố “mẹ”, khai thác tiềm năng hiệu quả hơn trong quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị… Tuy là thành phố “con” nhưng là cơ hội tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là hạt nhân, động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dẫn dắt sự phát triển chung của toàn thành phố và phụ cận”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Trương Văn Quảng phân tích.

Tại Việt Nam, mô hình “thành phố trong thành phố” chưa có tiền lệ. Do thực tiễn quá trình đô thị hóa đòi hỏi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 9-12-2020 về việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bước đi ban đầu của quá trình phát triển mô hình “thành phố trong thành phố” tại Việt Nam nên cần có thời gian để khẳng định tính hiệu quả.

Tuy nhiên, từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy, mô hình “thành phố trong thành phố” phù hợp với quá trình đô thị hóa, sẽ tạo ra cực phát triển, tạo thế và lực có tính đột phá mới, năng động, có sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn thành phố và cả vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thành phố trong thành phố”: Tạo thế và lực đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.