(HNM) - Trong tháng 7-2014, Báo Hànộimới có một loạt bài
Sau khi báo đăng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Trước thực trạng trên, Văn phòng Thành ủy đã phối hợp với các cơ quan chức năng lập đoàn công tác khảo sát tại các khu tái định cư trên địa bàn để tổng hợp báo cáo tham mưu với Thường trực Thành ủy có phương án chỉ đạo giải quyết.
Sàn hành lang bong tróc nhiều năm nhưng không được sửa chữa (tại khu TĐC Tứ Hiệp). |
Trong hai ngày 12 và 13-8, Văn phòng Thành ủy cùng đại diện các phòng thuộc Sở Xây dựng, UBND quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội… đã trực tiếp đến một số khu tái định cư (TĐC) để tìm hiểu thực tế, cũng như ghi nhận ý kiến của cán bộ cơ sở và người dân ở đây.
Tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, qua kiểm tra cơ sở hạ tầng đoàn nhận thấy những thông tin Báo Hànộimới nêu là chính xác. Trao đổi với đoàn khảo sát, ông Hoàng Trung Thành, Chủ tịch UBND phường Nhân Chính (Thanh Xuân) cho biết: Khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập. Các tòa nhà ngày càng bị xuống cấp, nhiều tòa nhà máy bơm nước bị hỏng, dân không có nước sử dụng, nhưng không có đơn vị nào đứng ra sửa chữa, khắc phục. Mặc dù có 19 tòa nhà với số dân hơn 6.000 nhân khẩu, dự kiến có thể thành lập được một phường mới, nhưng vẫn chưa thể thực hiện, gây khó khăn cho việc quản lý của địa phương. Theo quy hoạch, khu TĐC có trường học công lập, nhưng hiện chỉ có trường tư thục với học phí lên đến vài triệu đồng/tháng. Trong khi đó, người dân TĐC phần lớn khó khăn về kinh tế nên con em không thể theo học tại đây. Cũng theo quy hoạch, khu đất C2 dành làm khu hành chính, nhưng sau đó bị chuyển đổi thành khu thương mại, đồng thời quỹ đất dành cho chợ không có nên phát sinh chợ cóc, gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, các tòa nhà vẫn chưa thành lập được Ban quản trị (BQT) nên việc khắc phục những hỏng hóc và công tác duy tu, sửa chữa, vận hành tòa nhà bị chậm trễ vì không nhận được sự đồng thuận của người dân.
Theo ông Đặng Khánh Khoa, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân, Khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính trước đây do Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 xây dựng, bàn giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà quản lý, đến năm 2013 thì giao cho UBND quận Thanh Xuân quản lý về hè đường, bãi đỗ xe, vườn hoa, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, vệ sinh môi trường. Tuy vậy, đến nay việc bàn giao cũng chưa hoàn tất do hồ sơ hoàn công của một số tòa nhà chưa đầy đủ nên công tác quản lý chưa thể thực hiện tốt.
Tại khu TĐC Nam Trung Yên (Cầu Giấy), đoàn đã tới khảo sát tại khu vực nhà A6 và làm việc với đại diện UBND quận Cầu Giấy, phường Trung Hòa để nắm tình hình. Ông Lai Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa nhận định: Các tòa nhà TĐC ở Nam Trung Yên đều đã xuống cấp trầm trọng, hệ thống thang máy đều trục trặc. Riêng khu nhà A6 có 10 thang máy thì có đến 7 thang máy bị hỏng. Nhiều nhà cho đến nay chưa có nhà họp cộng đồng. Nhìn chung về trật tự đô thị ở khu vực này rất nhếch nhác. Hiện tại, về mặt hành chính nhà nước, khu TĐC do chính quyền địa phương quản lý, vậy nhưng hạ tầng vẫn chưa bàn giao cho UBND quận quản lý. Chính vì thế, quận, phường muốn đầu tư, chỉnh trang cũng không thể thực hiện. Đặc biệt, các tòa nhà vẫn chưa thành lập được BQT nên tạo ra gánh nặng trong việc quản lý của chính quyền sở tại.
Trước các vấn đề trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị lý giải: Các tòa nhà được đưa vào sử dụng đã lâu nên tình trạng xuống cấp là khó tránh khỏi và cần phải sửa chữa. Trên thực tế, do kinh phí eo hẹp nên các tòa nhà ở khu Nam Trung Yên chưa bao giờ được sửa chữa quy mô lớn. Đặc biệt, khi chưa có BQT thì việc sửa chữa nếu chưa được người dân chấp thuận càng khó khăn. Sau khi báo chí phản ánh, Tổng Công ty Quản lý và phát triển nhà đang bắt tay vào sửa chữa, chỉnh trang nhà B11.
Chuyển sang khu TĐC Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), đoàn khảo sát đánh giá các tòa nhà ở đây đều xuống cấp. Ông Trần Văn Hùng, Phó phòng kế hoạch Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà thừa nhận, khu TĐC Đền Lừ có 12 tòa nhà, có 28 thang máy thì có đến 4 thang máy bị hỏng không hoạt động. Hiện các tòa nhà ở đây xuống cấp khá trầm trọng. Đặc biệt là khối 1 tầng của nhà A1 được đánh giá là nguy hiểm, hiện công ty cho rào phía ngoài để dừng sử dụng. Khu TĐC này do Ban quản lý quận Hai Bà Trưng xây dựng, các trang thiết bị đã hết hạn bảo hành, nhưng công trình thì vẫn còn hạn. Do kinh phí bảo trì các tòa nhà eo hẹp nên rất cần thành phố có quy chế đặc thù hỗ trợ. Theo ông Trần Văn Diễm, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, ngoài việc các tòa nhà bị xuống cấp, cử tri nhiều lần kiến nghị hệ thống máy bơm nước liên tục bị hỏng, dẫn đến người dân thiếu nước sinh hoạt. Nhiều hộ ở nhà E còn tùy tiện lắp đặt bồn nước kim loại trên nóc nhà, gây thấm dột đối với các hộ áp mái. Bên cạnh đó, hệ thống thang máy hầu hết đều bị hỏng hóc. Đơn cử như nhà A5 chưa đưa vào sử dụng thang máy đã bị hỏng, nhiều người trong diện TĐC sau khi xem nhà đã không chịu về đây ở.
Tại khu TĐC Tứ Hiệp (Hoàng Mai), đoàn khảo sát cũng đã tìm hiểu thực tế cũng như tiếp xúc với người dân để ghi nhận ý kiến phản ánh. Nhìn chung, khu nhà TĐC ở đây cũng tồn tại nhiều bất cập giống như ở các khu TĐC mà đoàn đã có dịp kiểm tra. Cùng tham gia chuyến khảo sát, ông Trần Ngọc Minh, Phó phòng Phát triển nhà - Sở Xây dựng cho rằng nếu thành lập được BQT, người dân sẽ quyết định việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhà. Do vậy đây là việc cần làm ngay và phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà và chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, Sở sẽ cho rà soát, kiểm tra 155 tòa nhà TĐC trên địa bàn thành phố để khắc phục các nhược điểm. Đồng thời sẽ siết chặt quản lý về chất lượng, dịch vụ, không để tồn tại tình trạng công trình chất lượng kém như trước đây. Đối với các vấn đề nổi cộm nếu Công ty Quản lý và phát triển nhà không thể giải quyết cần báo cáo Sở Xây dựng để tham mưu UBND thành phố tháo gỡ, hỗ trợ. Đặc biệt, công ty cần ưu tiên các tầng 1 của tòa nhà để làm phòng họp cộng đồng, nhà trẻ, siêu thị cửa hàng phục vụ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
Kết thúc hai ngày khảo sát, ông Nguyễn Bạch Đằng, Phó Chánh văn phòng Thành ủy cho biết, sau khảo sát, đoàn công tác sẽ báo cáo cụ thể các vấn đề bất cập tại các khu TĐC lên Thường trực Thành ủy để xem xét chỉ đạo những công việc cần thiết nhằm tạo điều kiện cho người dân có cuộc sống thuận lợi hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.