Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu lô hàng đầu tiên: Triển vọng lạc quan

Đặng Loan| 17/02/2010 07:23

(HNM) - Đúng thời khắc linh thiêng bắt đầu vào năm mới Canh Dần, khi những chùm pháo hoa rực sáng trên bầu trời TP Hồ Chí Minh thì chiếc tàu Pioneer cũng cập cảng Sài Gòn. Những container hàng nhập khẩu được dỡ xuống và con tàu tiếp tục hành trình với những lô hàng xuất khẩu ngay trong ngày đầu tiên của năm mới hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi của kinh tế TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3 cho biết, trong tháng Giêng sẽ có 850.000 sản phẩm quần áo với tổng giá trị đơn hàng là 8,5 triệu USD của đơn vị này xuất sang Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây là khởi đầu hứa hẹn một năm xuất khẩu thuận lợi của đơn vị. Với cương vị là Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh, ông Hồng nhận định, xuất khẩu dệt may năm 2010 sẽ có nhiều thuận lợi hơn năm 2009, đặc biệt là từ hai thị trường lớn là Hoa Kỳ (hiện chiếm 70% xuất khẩu dệt may Việt Nam) và Nhật Bản (chiếm gần 20%). Với thị trường Nhật Bản, Hiệp định thương mại Việt - Nhật vừa đi vào thực hiện với nhiều ưu đãi thuế quan nên các doanh nghiệp (DN) nước này đã chuyển những đơn hàng từ nước khác sang Việt Nam. Hiện đơn hàng của Nhật Bản đã tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Với thị trường Hoa Kỳ, năm 2009 do các nhà nhập khẩu đặt đơn hàng nhỏ giọt khiến các DN dệt may trong nước rất khó khăn. Năm nay, các nhà nhập khẩu nước này có đơn đặt hàng đến tháng 6, nên các DN Việt Nam cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Bên cạnh thị trường, giá cả cũng là một thuận lợi khi tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Không chỉ dệt may, nhiều ngành hàng khác như gạo, thủy sản… cũng hy vọng vào một năm tăng trưởng mạnh của xuất khẩu.

Bốc xếp hàng tại cảng Sài Gòn.


Với thị trường trong nước, năm 2010 cũng sẽ là một năm thuận lợi khi chủ trương "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã và đang tạo "thiên thời, địa lợi" cho các DN. Hàng Việt đã lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng Việt. Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại của Công ty Sữa Việt Nam Vinamilk cho biết, dù sữa bột của Vinamilk đã được xuất đi nhiều nước Trung Đông, Ả Rập, Côoét… nhưng thị trường nội địa vẫn là chính trong chiến lược phát triển của công ty. Năm 2010, ngoài việc khánh thành thêm nhà máy sản xuất nước giải khát, công ty này cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động hơn nữa nguyên liệu trong nước, bớt phụ thuộc nhập khẩu.

Và nhiều thử thách mới

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI), đơn vị có nhiều thành công ngay trong năm khủng hoảng 2009 cũng cho rằng, năm 2010 DN sẽ dễ dàng hơn trên thương trường bởi khủng hoảng đã đi qua. Tuy nhiên, ông Tâm cũng cho rằng, như vậy không có nghĩa là DN sẽ chỉ có toàn thuận lợi và không còn khó khăn thách thức. Mọi thử thách vẫn còn y nguyên, thậm chí là rủi ro tiềm ẩn còn lớn hơn đối với các DN không đầu tư bài bản. Bởi đường gập ghềnh bước đi khó nhưng thường không vấp do người bước cẩn thận; ngược lại khi đường đi suôn sẻ thì dễ tạo ra tâm lý chủ quan, ỷ lại nên sẽ bị vấp ở những chỗ không lường trước được. Bên cạnh đó, khi kinh tế thế giới phục hồi, DN có nhiều thuận lợi thì chính sách tài chính chắc chắn sẽ được điều chỉnh lại. Những khoản hỗ trợ lãi suất không còn, vốn vay cũng chặt chẽ hơn… là những điều DN phải tính toán trước trong hoạch định chiến lược phát triển để có thể thành công.

Năm 2010, chỉ tiêu ngành công thương thành phố đưa ra là quy mô sản xuất công nghiệp tăng 9,2% so với năm 2009, thương mại tăng 12,7%, xuất khẩu tăng 12,7%... Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, đây là con số lạc quan và cao hơn chỉ tiêu chung cả nước, tuy nhiên là con số hợp lý vì TP Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Từ những yếu tố dự báo sẽ thuận lợi của năm 2010 và kinh nghiệm vượt khủng hoảng của năm 2009, các DN của TP Hồ Chí Minh cũng tin tưởng rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2010 sẽ đạt được những chỉ tiêu mà thành phố đã đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu lô hàng đầu tiên: Triển vọng lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.