Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động xe thô sơ

Hà Tuấn| 05/03/2021 06:58

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh vừa xây dựng lộ trình điều chỉnh tổ chức giao thông đối với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh, để đến sau năm 2025 sẽ chấm dứt hoạt động đối với các loại phương tiện này. Cùng với hạn chế các loại phương tiện này, thành phố cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người nghèo, bảo đảm sinh kế cho người dân.

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trên nhiều tuyến đường của thành phố Hồ Chí Minh, xe thô sơ 3-4 bánh tự chế vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường, bất chấp nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Hầu hết những loại xe này rất thô sơ, không bảo đảm điều kiện an toàn, lại chuyên chở hàng cồng kềnh, chằng buộc sơ sài. Nhưng, như ông Hoàng Công Tuyên (47 tuổi, ngụ phường An Lạc, quận Bình Tân), người chạy xe 3 bánh nhiều năm nay, chia sẻ: “Dù biết tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người đi đường nhưng vì cuộc sống mưu sinh và bản thân không biết làm nghề gì phù hợp, nên tôi vẫn phải chạy xe này”.

Theo số liệu của Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2017 đến nay, thành phố đã xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe 3-4 bánh và xe thô sơ. Còn theo Sở Giao thông - Vận tải, từ năm 2008, thành phố đã cấm các loại xe 3-4 bánh tự chế hoạt động. Kết quả, thành phố đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe tự chế, đồng thời, chi 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay, thành phố vẫn còn khoảng 30.000 xe 3-4 bánh tự chế hoạt động và có hơn 2.100 xe cơ giới 4 bánh được đăng ký cấp biển số.

Đánh giá về nguy cơ mất an toàn giao thông, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Nguyễn Ngọc Tường nhận định, các loại phương tiện này khi lưu thông trên đường thường vận chuyển các loại hàng hóa cồng kềnh, nguy hiểm; nhiều loại xe cơi nới để vận chuyển được nhiều hàng hóa, nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Do đó, thời gian tới, thành phố cần có những biện pháp căn cơ và phù hợp để giải quyết tình trạng này.

Nói về khó khăn trong việc xử lý, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố) Đỗ Ngọc Hải cho hay, công tác xử lý vi phạm đối với loại phương tiện này chưa nghiêm, chưa triệt để, phương tiện thay thế chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng. Trong khi đó, người sử dụng loại phương tiện này đa phần có thu nhập thấp, trình độ văn hóa không cao, sử dụng phương tiện để mưu sinh. Đáng nói hơn, sau khi nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước, một số người dân lại mua xe 3-4 bánh khác để tiếp tục lưu hành do không tìm được công việc khác phù hợp.

Để thực hiện hiệu quả lộ trình hạn chế sử dụng và tiến tới cấm xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh hoạt động sau năm 2025 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Võ Khánh Hưng nhìn nhận: “Nhu cầu sử dụng loại phương tiện này là có thật, do tính cơ động cao và thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng... Việc điều chỉnh hoạt động tiến tới chấm dứt hoàn toàn đối với loại phương tiện này sẽ ảnh hưởng rất lớn, làm thay đổi thói quen, tập quán của một bộ phận người dân, chủ yếu những người có thu nhập thấp”. Vì vậy, cần thiết phải có sự đánh giá tổng thể tình hình hoạt động để đưa ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ người dân thành phố. Đồng thời, cần có sự tham gia ý kiến của nhiều sở, ban, ngành liên quan nhằm triển khai đồng bộ, nhất quán trong quá trình thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động xe thô sơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.