Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi công 2 nhà máy điện rác từ năm 2019, với kỳ vọng làm thay đổi cơ bản công nghệ chôn lấp rác gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. Nhưng đến tháng 8-2023, chưa nhà máy nào hoàn thành, còn mùi rác hôi vẫn “tấn công” nhiều khu dân cư.
Còn chôn lấp rác, còn ô nhiễm
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, hằng ngày, thành phố đang thu gom khoảng 10.000 tấn rác thải sinh hoạt. Khoảng 90% trong số này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Dù đã ứng dụng những công nghệ xử lý rác tiên tiến khi chôn lấp, nhưng tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước vẫn xảy ra.
Chị Nguyễn Tường Vi (ngụ tại phường Tân Phong, quận 7) thông tin, mùi rác thường xuất hiện nhiều từ tháng 7, khi gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh. Vào một số buổi chiều tối, mùi rác từ bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh), cách khu dân cư khoảng 7km, theo gió bao phủ nhiều khu dân cư, khiến người dân phải đóng chặt cửa, chịu trận. Mỗi đợt kéo dài khoảng 20 phút, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và nếp sinh hoạt. “Việc này kéo dài nhiều năm qua, nhưng chưa được xử lý dứt điểm”, chị Vi nói.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều hộ dân sống xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi). Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, các doanh nghiệp đã áp dụng những công nghệ xử lý chôn lấp rác tiên tiến, hợp vệ sinh, nỗ lực tăng cường tái chế rác thải để giảm tỷ lệ chôn lấp, nhưng chỉ khi rác được đốt (để phát điện), mới có thể hết mùi hôi.
Theo Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia của Việt Nam, tỷ lệ chôn lấp rác ở đô thị giảm còn 30% năm 2025 và xuống 10% năm 2030. Thực hiện chiến lược này và tăng hiệu quả sử dụng rác thải như một nguồn nguyên liệu, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025, sẽ đốt khoảng 80% lượng rác thải để phát điện (tương đương 8.000 tấn). Với lượng rác còn gia tăng, đến năm 2030, thành phố sẽ nâng lên 15.000 tấn rác thải được đốt để phát 340MW điện.
Triển khai chủ trương này, từ năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi được các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà máy điện rác. Các công trình đã khởi công gồm: Nhà máy điện rác Vietstar và Nhà máy điện rác Tâm Sinh Nghĩa. Hai nhà máy có cùng công suất đốt 2.000 tấn rác/ngày, phát 40MW điện.
Ông Trần Nguyên Hiền, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, còn 5 doanh nghiệp khác cũng đề xuất triển khai các dự án điện rác tại thành phố với tổng công suất 80MW.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Hải (Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, nếu phát triển được hệ thống nhà máy điện rác, thành phố Hồ Chí Minh không chỉ được bổ sung nguồn điện tại chỗ mà còn xử lý một lượng rác thải khổng lồ theo hướng ít gây hại nhất đến môi trường.
Còn nhiều điểm nghẽn
Dù đã được khởi công xây dựng năm 2019, nhưng đến tháng 8-2023, khu vực dự kiến đặt 2 nhà máy điện rác của thành phố Hồ Chí Minh vẫn là bãi đất trống. Ông Ngô Như Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vietstar cho biết: “Chúng tôi đã có mặt bằng, có vốn, có công nghệ, thiết bị, giờ chỉ chờ có giấy phép để thi công và được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Những thủ tục trên vẫn chưa hoàn tất”.
Còn ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh (CITENCO) cho biết, đã trình UBND thành phố xem xét chấp thuận chủ trương cho công ty triển khai dự án nhà máy điện rác. Hiện, công ty đang trong quá trình xây dựng báo cáo dự án tiền khả thi, nhưng thủ tục pháp lý liên quan đến dự án này còn nhiều phức tạp.
Theo các doanh nghiệp, phức tạp lớn nhất là chưa có cơ chế đấu nối điện rác vào hệ thống điện quốc gia, chuyển đến người tiêu dùng. Khi chưa rõ “đầu ra” cho điện rác, doanh nghiệp chưa thể xây dựng nhà máy. Nói cách khác, các nhà máy điện rác phải được đưa vào cơ cấu nguồn cung lưới điện do các cơ quan của Bộ Công Thương quản lý, các nhà đầu tư mới có thể trình Bộ Xây dựng xem xét thủ tục xây dựng, hoàn thiện nhà máy.
Tháng 5-2023, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đề cập nối lưới với điện rác. Tháng 7-2023, Bộ Công Thương trình văn bản dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII để các ngành, địa phương góp ý hoàn thiện, dự kiến ban hành và triển khai từ cuối tháng 8-2023.
Tuy nhiên, trong văn bản này, công suất đấu nối điện rác tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 chỉ là 19MW. Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do số liệu thành phố báo cáo chưa được Bộ Công Thương cập nhật khi làm Quy hoạch điện VIII.
Để xử lý vấn đề này, đầu tháng 8-2023, Sở Công Thương đã có văn bản tham mưu UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh số liệu đấu nối công suất điện rác của thành phố giai đoạn 2025-2030. Theo đó, ít nhất đến năm 2025, thành phố sẽ có 80MW điện rác cung ứng lên lưới từ 2 nhà máy đã khởi công xây dựng.
Các dự án còn lại sẽ được xem xét huy động theo phương thức đầu tư đối tác công tư PPP, bảo đảm đốt 100% lượng rác thải để phát điện từ năm 2030.
Hiện, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp đầu tư nhà máy điện rác đang chờ những quyết định mới nhất từ các bộ, ngành trung ương để có cơ sở triển khai các dự án điện rác. Còn người dân một số vùng tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn sẽ phải chờ đợi thêm cho đến khi không còn rác chôn lấp để không bị ô nhiễm rác thải “tấn công”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.