(HNMO) - UBND thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân để ban hành quy định mới, theo hướng cho phép người dân sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè một số tuyến đường để kinh doanh, buôn bán theo giờ, có thu phí. Việc này giúp vừa bảo đảm an toàn giao thông, vừa bảo đảm sinh kế của một bộ phận người dân thành thị.
Tồn tại nhu cầu được kinh doanh trên vỉa hè
Nhiều năm qua, vỉa hè đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) thường bị người dân chiếm dụng phần lớn để bày hàng hóa, để xe, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông. Vào buổi chiều tối hằng ngày, tuyến đường này thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông do người đi đường dừng xe máy, thậm chí cả ô tô ngay dưới lòng đường để mua sắm. Anh Bùi Công Danh, 32 tuổi (ngụ tại phường Bình Thuận, quận 7) cho biết: “Người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị hàng quán chiếm dụng hết, rất nguy hiểm”.
Còn tại quận 3, nhiều đoạn vỉa hè của đường Hoàng Sa cũng bị các hộ kinh doanh chiếm dụng để đặt bàn ghế, hay để xe máy. Đặc biệt, vào buổi tối, nhiều chủ quán ăn, uống cũng chiếm dụng vỉa hè để mở rộng diện tích kinh doanh.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3 thông tin thêm, thời gian qua, các cơ quan chức năng của quận đã tổ chức ra quân xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép, nhưng tình trạng vi phạm vẫn tái diễn.
“Việc người dân có nhu cầu sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè để kinh doanh hiện nay là có thật. Vì vậy, thành phố nên nghiên cứu để có giải pháp quản lý cho phù hợp”, ông Trần Thanh Bình nêu quan điểm.
Đồng tình với việc cần có quy định mới phù hợp hơn với thực tế cuộc sống, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2008, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 74/2008/QĐ-UBND về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố (Quyết định 74). Sau gần 12 năm thực hiện, quyết định này đã nảy sinh nhiều bất cập, cần thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.
Dung hòa lợi ích để quản lý tốt hơn
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh, vỉa hè vẫn là sinh kế của nhiều người dân. Theo quy định hiện hành, chính quyền cơ sở phải kiểm tra, xử lý, không để vỉa hè, lòng đường bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh. Nhưng khi lực lượng chức năng đi khuất, vỉa hè lại bị tái chiếm.
“Chúng tôi đang tham mưu với UBND thành phố ban hành quyết định mới theo hướng xác định những con đường nào, đoạn vỉa hè nào được phép kinh doanh theo giờ, thu phí thế nào? Trách nhiệm, quyền lợi của các bên ra sao?”, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT cho biết.
Cũng theo ông Trần Quang Lâm, việc quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè sẽ tác động rất lớn đến người dân. Chính vì vậy, khi ban hành một quyết định liên quan đến vấn đề này, phải phù hợp với thực tiễn và khả thi.
“Thành phố mong muốn người dân khi sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè phải có trách nhiệm bảo đảm an toàn giao thông và trật tự đô thị; đồng thời chia sẻ để dung hòa lợi ích trên cơ sở vừa sử dụng, vừa bảo vệ lòng đường, vỉa hè nhằm xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo quyết định mới thay thế Quyết định 74, cho rằng đây là việc làm được cho là cần thiết nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời tạo ra chính sách công bằng cho đối tượng sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện được điều này cần áp dụng từng tuyến đường cụ thể, trong đó yêu cầu lòng đường, vỉa hè phải đủ rộng.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải được triển khai, quản lý một cách chặt chẽ và rõ ràng trách nhiệm của các cấp.
Là một hộ kinh doanh, lâu nay “bám" vỉa hè để bán hàng ăn uống vào các buổi tối, chị Hoàng Thục Vy, 29 tuổi (ngụ tại phường 6, quận 3), cho rằng: “Nếu có quy định cụ thể, chi tiết, tôi nghĩ nhiều hộ kinh doanh như tôi sẽ hưởng ứng và chấp hành nghiêm, nhất là trong bối cảnh thành phố khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm”.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quyết định mới thay thế Quyết định 74, ngoài việc quy định tuyến đường, đoạn vỉa hè nào được kinh doanh, để xe theo giờ, sẽ có những quy định chi tiết như: Nếu nhà có việc hiếu, hỷ, sẽ được sử dụng lòng đường vỉa hè ra sao? Cấp nào cấp giấy phép tạm sử dụng? Công tác hoàn trả mặt bằng sau khi tạm sử dụng thế nào?...
“Nhu cầu sử dụng lòng đường, vỉa hè là có thật, gắn với hoạt động dân sinh thường nhật. Thành phố xây dựng quy định mới sát với thực tiễn cuộc sống hơn, để quản lý tốt hơn, vừa bảo đảm an toàn giao thông, văn minh đô thị, vừa bảo đảm sinh kế của một bộ phận người dân thành thị”, ông Võ Văn Hoan nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.