Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý vỉa hè - giải pháp căn cơ từ quy hoạch

Bảo Hân| 07/05/2023 06:38

(HNM) - Lập quy hoạch thiết kế đô thị về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường, trong đó có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt, lâu dài và phù hợp với đặc điểm từng khu vực, địa bàn. Đây là giải pháp căn cơ, bài bản được thành phố Hà Nội hướng đến.

Vỉa hè tuyến phố Quang Trung (quận Hà Đông). Ảnh: Nguyễn Quang

Nhận thức đầy đủ, đồng bộ

Là một phần quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị, vỉa hè có chức năng phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trên thực tế, vỉa hè còn là không gian công cộng, nơi hằng ngày diễn ra sinh hoạt của cộng đồng…

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, lâu nay có người cho rằng, hoạt động buôn bán lộn xộn, ăn uống nhếch nhác diễn ra trên vỉa hè là bình thường, thậm chí là một phần không thể thiếu của văn hóa đô thị. Nhiều chuyên gia kinh tế còn lưu ý về vai trò của vỉa hè trong phát triển kinh tế đô thị. Vì vậy, muốn hiểu đúng, đầy đủ, cần nhìn từ bản chất vỉa hè là không gian công cộng, là một phần trong cấu trúc không gian đô thị, nên phải được khai thác, quản lý và kiểm soát để bảo đảm vận hành đúng chức năng.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, từ năm 1995, khi lập quy hoạch khu phố cổ và năm 1999, thời điểm xây dựng quy chế tạm thời về quản lý bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ, thành phố Hà Nội đã đặt vấn đề khai thác vỉa hè nhằm phát huy tối đa giá trị. Tới năm 2014 - “Năm trật tự văn minh đô thị”, vỉa hè Hà Nội liên tục được đặt trong các cao điểm lập lại trật tự. “Tuy nhiên, sau gần 30 năm, chúng ta vẫn chưa có nhận thức đồng bộ về vỉa hè, dẫn đến cách khai thác, quản lý vỉa hè còn nhiều bất cập”, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

“Tuyên truyền, nhắc nhở, cảnh cáo, xử phạt, rồi rầm rộ tháo dỡ hàng quán lấn chiếm vỉa hè… nhưng dọn dẹp vừa xong thì đâu lại vào đấy. Vỉa hè tiếp tục bị lấn chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Đây là điều cần suy nghĩ trong quản lý vỉa hè”, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nói.

Nhận diện đúng giá trị

Hướng tới các giải pháp bài bản, căn cơ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, cần nhận diện đúng giá trị đặc thù của vỉa hè, trong thực hiện có phân loại làm thí điểm và vận động mọi người cùng tham gia. Các thiết kế đô thị phải gắn với thiết kế đường phố, tiếp cận đồng bộ với các yếu tố về văn hóa, kiến trúc cảnh quan, thành phần kinh tế và hạ tầng kỹ thuật.

Cùng cách nhìn trên, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng) lưu ý việc lập thiết kế đô thị phải đồng bộ 3 việc: Xây dựng hoàn chỉnh các quy chế quản lý lòng đường, vỉa hè trong đô thị, trong đó quan trọng nhất là kèm theo các quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị bao gồm lòng đường, vỉa hè; kiện toàn việc quản lý theo quy hoạch; tuyên truyền vận động để cộng đồng nắm rõ và cùng thực hiện.

Riêng nội dung tổ chức không gian và quản lý không gian vỉa hè, lòng đường, để tránh lãng phí, dàn trải trong đầu tư, trước tiên cần nghiên cứu, phân loại không gian lòng đường, vỉa hè theo các nhóm chức năng sử dụng. Ví dụ nhóm các tuyến phố có không gian vỉa hè, lòng đường đơn chức năng chỉ dành cho người đi bộ, nhóm các tuyến phố có không gian vỉa hè, lòng đường đa chức năng, cho phép kết hợp kinh doanh thương mại, dịch vụ, trông giữ xe, kèm theo các tiêu chí và yêu cầu về diện tích, vị trí, cây xanh, thiết bị đô thị đi kèm, vệ sinh - an toàn phù hợp... 

Cũng theo kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, thành phố nên tổ chức các cuộc thi tuyển phương án thiết kế đô thị cho các tuyến phố chính, đặc biệt là khu vực trung tâm và phát huy vai trò của cộng đồng. Trước khi nhân rộng, cần thí điểm, đúc rút các bài học kinh nghiệm và khắc phục các vấn đề tồn tại trong thực tiễn. Kèm theo các nội dung thiết kế đô thị, cần lập quy chế quản lý cho các tuyến phố, bao gồm tất cả các nội dung về quản lý công trình kiến trúc, cây xanh và thiết bị đô thị, quản lý tổ chức các dịch vụ, thương mại cũng như các nội dung về duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường…

Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng đề xuất có thiết kế đô thị từng tuyến phố để xác định cụ thể vị trí hợp lý đặt đường ống kỹ thuật ngầm (tránh tình trạng đào lên lấp xuống); trồng cây xanh, bồn hoa; đặt trạm ATM, ghế nghỉ chân, thùng rác; vật liệu lát vỉa hè sao cho bền chắc, thấm nước, an toàn cho người đi bộ và mỹ quan… Ngoài ra, cần có quy định cụ thể việc sử dụng vỉa hè một cách công khai, minh bạch và phát huy vai trò tham gia quản lý vỉa hè của cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Cuối cùng, rất quan trọng, đó là sự nghiêm minh của người thực thi pháp luật trong quản lý vỉa hè.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý vỉa hè - giải pháp căn cơ từ quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.