(HNM) - Từ đầu năm 2021 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiến độ xây dựng các dự án đầu tư. Thành phố đang hành động quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 95% trở lên trong năm 2021.
Giải ngân vốn đạt 25,7% kế hoạch
Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vốn đầu tư từ ngân sách thành phố 5 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện đạt 9.193 tỷ đồng, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, so với kế hoạch năm 2021 đạt 25,7%. Giải ngân vốn đầu tư công của thành phố khả quan là do Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ước thực hiện trên 895 tỷ đồng, chiếm hơn 33% khối lượng thực hiện chỉ trong tháng 5; Dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 1 với quận Bình Thạnh có tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ đồng, hoàn thành trước ngày 30-4.
Ngoài ra, một số dự án khác có khối lượng thực hiện khá cao như: Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); Dự án vệ sinh môi trường thành phố (giai đoạn 2); Dự án xây dựng mới Trung tâm Chuyên sâu sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1...
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang thi công lắp dây cáp điện trên toàn tuyến, gấp rút hoàn thiện nhà ga Ba Son vào cuối quý II-2021; tính chung khối lượng toàn tuyến đến nay đạt trên 86%. Còn tại Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương), hiện khối lượng giải phóng mặt bằng cơ bản đã hoàn thành, chuẩn bị khởi công xây dựng.
Tuy vậy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tình hình dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, đối với những dự án ODA, các trang thiết bị, máy móc không thể nhập khẩu vào Việt Nam khiến tiến độ thực hiện bị chậm. Bên cạnh đó, một số dự án ODA cũng chưa đáp ứng tiến độ do công tác đấu thầu, điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vốn vay... Đơn cử, Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2 (huyện Bình Chánh) sử dụng vốn ODA của Nhật Bản đang phải điều chỉnh hiệp định vốn vay, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi… nên chưa thể khởi công.
Theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân vốn
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 đến các sở, ngành với tổng số hơn 35.749 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương hơn 3.827 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố hơn 31.921 tỷ đồng.
Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu giá trị đạt từ 95% trở lên trong năm 2021, trước mắt thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. Đặc biệt, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành “Chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021”.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện và chủ đầu tư xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và triển khai chương trình hành động theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được giao. Định kỳ trước ngày 2 hằng tháng, các cơ quan, đơn vị phải báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công (của tháng trước liền kề) gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Bên cạnh đó, UBND thành phố giao Kho bạc Nhà nước thành phố chỉ đạo hệ thống thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời gian 4 ngày làm việc, rút ngắn quy trình kiểm soát chi. Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải thông tin, cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc phối hợp với các chủ đầu tư để rà soát, theo dõi việc tạm ứng, thanh toán tạm ứng theo đúng quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, UBND thành phố sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án; đề xuất điều chỉnh giảm vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để điều chuyển sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao và có khả năng hoàn thành dứt điểm ngay trong năm. Thành phố xác định, việc đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.