Doanh nghiệp sản xuất thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển sâu về chất lượng, hướng đến công nghệ cao, thay vì số lượng trước xu thế dịch chuyển không thể đảo ngược dòng vốn đầu tư sang các tỉnh.
Dịch chuyển dòng đầu tư
Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh Phạm Bình An, thành phố Hồ Chí Minh hiện có kim ngạch xuất khẩu trên 47 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu trên 41 tỷ USD, vốn đầu tư xã hội hơn 300.000 tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) gần 4 tỷ USD, cho thấy thành phố vẫn là trung tâm sản xuất, xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thu hút đầu tư của thành phố có xu hướng chậm lại. Thành phố không còn là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp của thành phố cũng có xu hướng chuyển nhà máy sang các tỉnh lân cận bởi các lý do: Vị trí địa lý thuận lợi (bán kính dưới 50km được nhiều doanh nghiệp lựa chọn); cơ sở hạ tầng logistics tốt; môi trường đầu tư thuận lợi (chính sách tốt, ưu đãi về thuế, đất đai); dễ tuyển dụng lao động tại địa phương…
Thống kê từ Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, có gần 2.500 doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh mở chi nhánh ở các tỉnh (chủ yếu ở các tỉnh lân cận). Giá trị sản xuất công nghiệp hàng hóa của doanh nghiệp thành phố mở chi nhánh ở các tỉnh chiếm 35%. Lao động của chi nhánh doanh nghiệp thành phố ở các tỉnh đạt trên 80.000 người, tốc độ tăng trưởng lao động bình quân 4,5%/năm.
Theo Tổng Thư ký Hội Lương thực - thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Bá Cường, ngành lương thực, thực phẩm dịch chuyển đến các tỉnh hiện nay rất lớn. Lý giải nguyên nhân, ông Trịnh Bá Cường cho hay, các tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chuyển đổi số nhanh và thủ tục hành chính rất nhanh gọn. Trước đây, thành phố Hồ Chí Minh phát triển thuận lợi về hàng không, cảng biển. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ở các tỉnh, hạ tầng logistics phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đây là xu thế chung. Trong khi đó, ngành lương thực, thực phẩm đang thâm hụt lao động và phân bổ ở thành phố không phù hợp, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh) Trần Anh Hào cho biết, doanh nghiệp, nhà đầu tư dịch chuyển về các tỉnh lân cận là xu hướng trong những năm gần đây, bởi hiện tại giá đất ở thành phố rất cao, mỗi mét vuông gấp 3-4 lần so với các tỉnh. Trong khi đó, quỹ đất phát triển cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất tại thành phố, ngày càng giảm. Doanh nghiệp đầu tư ở các tỉnh khác có thể tận dụng chi phí sản xuất thấp, tiếp cận dễ dàng với thị trường lao động tự nhiên, lưu thông hàng hóa cũng thuận lợi...
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Hà, Giám đốc Khoa học công nghệ (Công ty cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ) cho rằng, doanh nghiệp lựa chọn thành phố Hồ Chí Minh hay ở tỉnh để đầu tư dựa trên năng lực cạnh tranh của địa phương đó. Hiện nay, một số ngành, lĩnh vực nếu đầu tư ở các tỉnh sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho doanh nghiệp, tăng khả năng sinh lời.
Chuyển đổi sang công nghệ cao
Thành phố Hồ Chí Minh có 17 khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Ông Trần Văn Bích, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, giải pháp trước mắt là thành phố cần tái cơ cấu các KCX, KCN theo hướng: Khu vực phía Đông thành phố (4 KCX, KCN) chuyển đổi thành trung tâm logistics, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghiệp.
Khu vực phía Nam thành phố (2 KCX, KCN) chuyển đổi thành khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái - đô thị - cảng. Tại khu vực phía Bắc thành phố (5 KCN), khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến. Khu vực phía Tây thành phố (6 KCN) chuyển đổi theo hướng công nghiệp công nghệ cao; khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Theo các chuyên gia, để thích ứng với dòng dịch chuyển đầu tư sang các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh cần có định hướng thu hút nhà đầu tư chiến lược thông qua chính sách phát triển khoa học và công nghệ, chính sách đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có những chính sách ưu đãi rõ hơn đối với các trung tâm nghiên cứu phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đang tìm động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Phạm Bình An, vấn đề và thách thức đặt ra với thành phố là hiện các văn bản chủ yếu mang tính định hướng chính sách, chưa có nội dung cụ thể về chính sách hỗ trợ.
Cũng theo ông Phạm Bình An, thành phố cần chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Mô hình chuyển đổi cần hướng đến 3 mục tiêu chính: Phát triển kinh tế xanh hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tăng lợi thế cạnh tranh ở cấp độ thành phố lẫn doanh nghiệp so với khu vực và các nước trên thế giới; tăng cường kết nối và hợp tác vùng kinh tế trong nước, khu vực và trên thế giới, đồng thời, kết nối giữa các ngành và lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.