Kinh tế

Tìm giải pháp gỡ 3 nút thắt về đất, đầu tư công, phát triển khu công nghiệp

Hương Hoa 18/10/2023 12:58

Sáng 18-10, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.

hoi-thao-1.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ phát biểu tại hội thảo

Sự kiện thu hút khoảng 700 đại biểu tham dự, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương; cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Diễn đàn làm rõ các vấn đề đặt ra từ kết quả kiểm toán, nhận diện những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt, từ đó tìm giải pháp khả thi giúp tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững.

Diễn đàn gồm 3 hội thảo chuyên đề.

Tồn tại từ định giá đất

Tại hội thảo chuyên đề “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán nhà nước”, các đại biểu tập trung thảo luận và trao đổi thẳng thắn về thực trạng quản lý, sử dụng đất đai và xác định giá đất; hiện đại hóa công tác thẩm định giá tại Việt Nam, đồng thời chỉ ra những tồn tại trong định giá đất hiện nay và giải pháp khắc phục; tháo gỡ nút thắt trong quản lý, sử dụng đất đai phục vụ phát triển kinh tế.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Mai Trọng Thái, chính sách pháp luật về đất đai đã có tác động tích cực, tạo sự chuyển biến trong lĩnh vực đất đai, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Chính sách pháp luật đã giúp đạt được những thành tựu nổi bật, từ công tác quy hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ... cho đến thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn tồn tại một số bất cập, chủ yếu do chính sách pháp luật về đất đai còn nhiều điểm chưa đồng bộ, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Do đó, giải pháp hàng đầu được kiến nghị là sửa đổi các quy định của pháp luật chưa phù hợp, chưa thống nhất, góp phần giải quyết những tồn tại, hạn chế về quản lý, sử dụng đất đai và xác định giá đất. Ngoài ra, cần tập trung cải cách bộ máy hành chính, đặc biệt là công tác cán bộ...

Nút thắt trong đầu tư công

Về hội thảo chuyên đề “Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán”, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình năm 2021, 2022 đạt khoảng 93,56% kế hoạch, trong đó năm 2021 đạt 95,7%, năm 2022 đạt 91,42%. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30-9-2023 là 363.310,571 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%). Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công có những tín hiệu tích cực, song kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Tại hội thảo, các đại biểu đã làm làm rõ những nút thắt trong lĩnh vực này.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho hay, nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, có thể kể đến như thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách nhà nước cũng như các luật chuyên ngành, pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư; quy trình, trình tự, thủ tục còn chồng chéo, phức tạp; công tác quy hoạch, đấu giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều vướng mắc, bất cập; đặc thù riêng của từng năm kế hoạch, từng nguồn vốn... Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan như các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực trong thực thi nhiệm vụ đầu tư công, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu...

Đồng quan điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cao Thị Minh cho rằng, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch…

Một số đại biểu khác nhìn nhận đầu tư công có nút thắt từ cơ chế, chính sách khiến doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn; nút thắt về trình tự, quy trình thủ tục hành chính khó khăn, phiền hà... Những điều này đã kéo theo nút thắt khác trong tổ chức thực hiện, từ đó dẫn đến tâm lý e dè, sợ trách nhiệm..

ht2.jpg
Quang cảnh hội thảo

Các đại biểu đưa ra một số giải pháp giúp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công...

Phát triển kinh tế công nghiệp

Với hội thảo chuyên đề 3 “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”, tính đến tháng 12-2022, trên cả nước đã hình thành hệ thống 407 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 khu kinh tế ven biển tại 17 tỉnh, thành phố với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.

Sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế đã đóng góp tích cực vào công tác bảo vệ môi trường, thực hiện định hướng tăng trưởng xanh cũng như thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác.

Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà quản lý đã chỉ ra nhiều nút thắt hạn chế sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế như về quy hoạch; hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ; liên kết vùng; lao động và an sinh xã hội; vấn đề môi trường; ưu đãi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hiệu quả sử dụng đất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp gỡ 3 nút thắt về đất, đầu tư công, phát triển khu công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.