Là đầu tàu kinh tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh được Trung ương xác định là một cực tăng trưởng trọng yếu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số từ năm 2026. Trước yêu cầu cấp thiết về đột phá thể chế, thành phố chủ động tiên phong, sẵn sàng gánh vác sứ mệnh thí điểm các cơ chế mới.
Phát huy truyền thống sáng tạo
Năm 1979 và 1980, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (khóa I) ban hành hai nghị quyết quan trọng, đề ra những hướng đột phá theo tinh thần chủ động, sáng tạo từ cơ sở, giúp lĩnh vực sản xuất “bung ra”, trong bối cảnh hàng hóa thiếu thốn, đời sống người dân khó khăn.
Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh đề ra chủ trương “tìm mọi nguyên liệu cho sản xuất”. Theo đó, thành lập các công ty xuất nhập khẩu trực tiếp như Direximco và Cholimex, nhằm thu ngoại tệ để nhập nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất.
Nhắc đến giai đoạn này, PGS.TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, lúc bấy giờ cuộc giằng co giữa đổi mới và bảo thủ, trì trệ diễn ra khá quyết liệt, gay gắt. Những đổi mới của thành phố ban đầu bị coi là “xé rào”, sau này được ghi nhận là “bước đột phá đầu tiên” của quá trình đổi mới, là sự “năng động, sáng tạo”, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, trở thành “thương hiệu” của thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực cho biết, từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh “xé rào”, “bung ra” đã được Trung ương tổng kết, góp phần làm thay đổi đường lối phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các cơ chế mới.
Trong giai đoạn cao điểm phòng, chống đại dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đề xuất không tiếp tục cách ly tập trung, mà thay vào đó triển khai tiêm vắc xin diện rộng để tạo miễn dịch cộng đồng - một chủ trương được Chính phủ ủng hộ. Sau đó, các cơ quan chức năng của thành phố đã “gõ cửa” từng nhà để tiêm vắc xin, từng bước đưa thành phố trở lại trạng thái “bình thường mới”. Cụm từ “bình thường mới” xuất phát từ thực tiễn phòng, chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh, góp phần mang tính quyết định giúp Việt Nam trở thành một trong những điển hình chống dịch thành công trên thế giới.
Tiên phong đột phá
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”. Theo các chuyên gia, thành phố Hồ Chí Minh vốn có kinh nghiệm “xé rào” trong giai đoạn trước và sau đổi mới. Bây giờ, trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải năng động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để thích ứng linh hoạt với bối cảnh mới, phát triển xứng tầm trong giai đoạn tiếp theo. Những mô hình, cách làm mới thành công của thành phố có thể được nhân rộng ra cả nước.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh Phạm Phương Thảo cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều điểm nghẽn, mà điểm nghẽn của điểm nghẽn chính là thể chế. Theo bà Phạm Phương Thảo, càng trong khó khăn, thử thách, thành phố Hồ Chí Minh càng tỏ rõ bản lĩnh, khả năng vươn lên mạnh mẽ mà thực tiễn 50 năm qua đã chứng minh, qua đó, tin tưởng bản lĩnh lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được khẳng định trong giai đoạn phát triển mới, với những đòi hỏi cao hơn.
Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh đã từng đi đầu trong đổi mới, để tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt, thành phố cần những bước đi vững vàng hơn trong kỷ nguyên mới. Trong cải cách thể chế sắp tới, Trung ương cần “trao” cơ chế để thành phố phân cấp, phân quyền mạnh mẽ nhằm tăng tính chủ động trong quản lý và phát triển. Điều này giúp chính quyền các địa phương có thể linh hoạt hơn trong việc triển khai các dự án và cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, thành phố phải chuyển đổi toàn diện mô hình chính quyền số, trọng tâm là loại bỏ hoàn toàn hồ sơ giấy, chuyển tất cả quy trình hành chính lên nền tảng số vào năm 2025, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và minh bạch hóa các hoạt động; tạo môi trường kinh doanh minh bạch, cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, tối ưu hóa quy trình cấp phép, xây dựng chính sách linh hoạt hơn để thu hút đầu tư hiệu quả.
Song song đó, chuyển đổi toàn diện mô hình kinh tế số, trọng tâm là đưa công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị và công nghệ tài chính, với đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm sẽ giúp thành phố thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu; thúc đẩy mô hình kinh tế xanh, trọng tâm là đầu tư vào năng lượng tái tạo, thích ứng với xu hướng toàn cầu. Điều này không chỉ giúp thành phố phát triển bền vững mà còn nâng cao chất lượng sống của người dân.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang huy động nội lực, phát huy hơn nữa tinh thần, truyền thống năng động, sáng tạo trong nhân dân, người lao động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao vốn là thế mạnh của thành phố để sẵn sàng tiên phong vào những lĩnh vực mới. Từ đó, lan tỏa tư duy mở và kiến tạo giá trị mới. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được cho biết, thành phố sẽ vận dụng “chiến lược mềm” để đột phá trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.