(HNMO) - Các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực để quản lý và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Vẫn còn nguy cơ mất an toàn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trên các con đường xung quanh các chợ truyền thống ở quận Gò Vấp, quận Tân Phú, quận 8, huyện Hóc Môn…, các tiểu thương bày đủ loại trái cây và cả thịt lợn, gà vịt làm sẵn. Công nhân, người lao động mua rất nhiều vì nhanh, tiện...
Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm với những đồ tươi sống bày bán lề đường như thế này khiến nhiều người lo ngại. Chị Lê Thị Hương Giang, ngụ huyện Hóc Môn (thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thực phẩm bày bán tại các chợ tạm như trên thường được lấy về từ các điểm mua bán quanh các chợ đầu mối lớn của thành phố Hồ Chí Minh, nên khó kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ.
Đầu tháng 12-2022, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp với Công an quận 8 đã bất ngờ kiểm tra kho lạnh của Công ty TNHH sản xuất, chế biến rau củ quả T.N (phường 7, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) do ông P.T.T làm Giám đốc. Đây là công ty chuyên cung cấp nông sản cho các điểm mua bán quanh chợ đầu mối Bình Điền. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện hai kho đông lạnh của công ty đang chứa hơn 11,7 tấn rau, củ đóng gói trong các bao bì có nhãn hiệu tiếng Trung Quốc (trong đó, có 1,7 tấn củ cải đỏ, hơn 8,5 tấn bông cải trắng, hơn 1,5 tấn bông cải xanh...). Tất cả hàng hóa này đều không có nhãn phụ tiếng Việt và không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Tại các chợ đầu mối thực phẩm lớn của thành phố Hồ Chí Minh như chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (thành phố Thủ Đức), Bình Điền (quận 8), Hóc Môn (huyện Hóc Môn), Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh thống kê, mỗi đêm, tổng lượng hàng hóa về 3 chợ khoảng 6.000-8.000 tấn, có thời điểm tăng đột biến lên 9.000 tấn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra 36.286 cơ sở, phát hiện 6.101 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, xử phạt 1.046 cơ sở với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy 17.481kg và 140.065 đơn vị sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tăng cường kiểm tra xử lý
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhằm tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết, Ban đã thành lập 11 đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm là đầu mối lớn, siêu thị, các chợ đầu mối, chợ truyền thống, trung tâm thương mại… Đặc biệt, tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và các lễ hội như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...
Điển hình, lúc 0h ngày 29-12, Đoàn công tác do bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố đã đến làm việc tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, giám sát hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm của đội 2, quản lý địa bàn thành phố Thủ Đức; và 2h sáng, kiểm tra tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. Qua kiểm tra, bà Lan nhận xét, các chợ đầu mối tại thành phố ngày càng chủ động trong công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, quản lý nguồn gốc theo mô hình thương mại hiện đại. Chợ đầu mối không chỉ cung cấp hàng cho các chợ truyền thống mà còn vào kênh bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn, siêu thị…
Theo bà Lan, về tình trạng chợ tự phát xung quanh chợ đầu mối gây ảnh hưởng đến hoạt động hợp pháp trong chợ, một số giải pháp chấn chỉnh như tuyên truyền, có đầu mối đôn đốc các cơ quan liên quan xử lý chợ tự phát và kiểm tra ngược từ chợ truyền thống để tiểu thương phải lấy hàng từ nơi hợp pháp để có chứng từ hợp lệ.
Về phía UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm để vừa phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời phải bảo đảm phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất, nhập khẩu thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường khuyến cáo người dân cần sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng..., để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón một cái Tết an toàn, vui tươi, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.