(HNM) - Thời điểm này, các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng hàng hóa cho 2 tháng trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Theo dự kiến, lượng tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng tại thành phố cao hơn Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Vì vậy, công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết năm nay khá sôi động.
Hơn 19.000 tỷ đồng giá trị hàng hóa Tết
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, Tết năm nay dự kiến trữ lượng tổng mức hàng hóa, bao gồm hàng bình ổn giá sẽ tăng từ 15% đến 30 hoặc 40% (tùy ngành hàng) so với năm trước.
Từ nay đến Tết, Saigon Co.op dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm ít nhất 30 điểm bán mới gồm Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smiles... để phân phối hàng Việt và hàng bình ổn giá phục vụ Tết.
“Chúng tôi bảo đảm đủ hàng bình ổn 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020”, ông Đỗ Quốc Huy khẳng định.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 của các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng 19.027 tỷ đồng, tăng hơn 600 tỷ đồng (tăng 3,27%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong đó giá trị hàng hóa của nguồn hàng bình ổn thị trường hơn 7.244 tỷ đồng.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, từ ngày 26-12-2019 đến 24-1-2020 (ngày 1 đến 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị hơn 10.224 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường hơn 4.088 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ ba nguồn chính: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm 30-40% thị phần); các chợ đầu mối (chiếm 60-70% thị phần) và các doanh nghiệp khác (chiếm 10-20% thị phần). Lượng hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tăng 14,6-17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 21-28% so với kết quả thực hiện Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 20% đến hơn 53% nhu cầu thị trường như: Thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (chiếm 48,6%), thực phẩm chế biến (chiếm 28,1%), thịt gia súc (chiếm 21%), gạo (chiếm 31,5%)...
Về các kênh phân phối, ngoài 239 chợ, trong đó có 3 chợ đầu mối, thành phố Hồ Chí Minh còn có 206 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.656 cửa hàng tiện lợi. Về mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường, tính đến nay tổng số điểm bán là 10.983 điểm. Đặc biệt, năm nay thành phố tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Có tổng cộng 79 doanh nghiệp tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường năm 2019.
Bảo đảm giá bán phù hợp
Theo các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, các loại thực phẩm tươi sống được tiêu thụ nhiều nhất Tết Nguyên đán năm nay là thịt lợn và thịt gà. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, Vissan dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong thời gian 45 ngày và nhập khẩu thịt nếu có biến động lớn.
Còn đại diện Công ty TNHH San Hà cho biết, đơn vị này sẽ tăng lượng cung ứng lên 200 tấn thịt gà/ngày và 25 tấn thịt lợn/ngày vào những tháng cuối năm, đồng thời trữ đông 1.500 tấn thịt lợn, gà nhằm bảo đảm nguồn cung.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước và một tháng sau Tết. Không những thế, các doanh nghiệp còn thực hiện giảm giá sâu trong hai ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm…
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op cho biết, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá. Hệ thống thiết kế giảm giá sớm và khoa học để giảm áp lực mua sắm cho người dân. Những ngày cận Tết, người dân chỉ cần mua các loại thực phẩm tươi sống hoặc đặt mua các món chế biến sẵn ở siêu thị, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Hệ thống cũng chốt chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Đặc biệt, 10 ngày cận Tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa.
Theo quy luật thị trường, để tránh giá tăng đột biến trong những ngày cao điểm Tết cần bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa ổn định, tránh tình trạng khan hiếm hàng. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố luôn nỗ lực không ngừng bám sát thị trường.
“Từ thời điểm này đến Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, công tác chuẩn bị và phục vụ cho thị trường đã được sở, ngành và doanh nghiệp chuẩn bị chu đáo, bảo đảm mục tiêu thành phố giao”, ông Phạm Thành Kiên cho hay.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung thịt lợn bình ổn thị trường ở mức 4.091 tấn/tháng thường và đạt 5.148 tấn/tháng cận Tết, chiếm khoảng 21% thị phần toàn thành phố.
Ghi nhận cho thấy, hiện giá bán hàng bình ổn thị trường các mặt hàng thịt lợn ở mức 118.000 đồng/kg (thịt đùi), 117.000 đồng/kg (thịt vai), 167.000 đồng/kg (thịt ba chỉ)... Về tình hình tiêu thụ, sản phẩm tiêu thụ tại chợ giảm; tại siêu thị tăng nhẹ. Riêng sản lượng tiêu thụ tại các hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan... tăng khoảng 30%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.