Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực phát triển giao thông xanh

Hà Phạm| 13/05/2022 06:53

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều loại hình giao thông xanh, vừa phục vụ phát triển giao thông công cộng, vừa từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân. Từ những thành công bước đầu của xe đạp công cộng, xe buýt chạy điện…, ngành Giao thông sẽ triển khai thêm nhiều loại hình phương tiện nữa, để thành phố thêm xanh, sạch, đẹp.

Người dân thành phố Hồ Chí Minh sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng.

Những thành công bước đầu

Là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai dịch vụ xe đạp công cộng công nghệ cao, sau 5 tháng đi vào hoạt động (từ ngày 16-12-2021 đến nay), đã có gần 160.000 lượt hành khách tại thành phố Hồ Chí Minh sử dụng dịch vụ trên quãng đường gần 1,1 triệu ki lô mét. Trung bình mỗi ngày có hơn 15.000 lượt người đăng ký mới dịch vụ này. Vào buổi sáng và buổi tối, tại những nơi đặt trạm xe đạp công cộng trên các tuyến đường như: Hàm Nghi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Minh Khai… (quận 1), khách thuê xe rất đông.

Vừa hoàn thành chuyến đạp xe cùng nhóm bạn quanh trung tâm quận 1, bạn Nguyễn Thùy Linh (sinh viên Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh) hào hứng nói: “Vào buổi chiều tối sau những giờ học căng thẳng trên lớp, em cùng các bạn đi xe đạp ngắm cảnh thành phố buổi hoàng hôn và cảm thấy rất thú vị, thư giãn. Nhiều bạn còn dùng xe đạp để di chuyển giữa các bến xe buýt khi đổi tuyến”.

Đầu tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus (nhà đầu tư) cũng đã triển khai tuyến xe buýt điện đầu tiên của thành phố - tuyến D4 chạy từ Vinhome Grand Park (thành phố Thủ Đức) đến Bến xe buýt Sài Gòn tại trung tâm quận 1. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh), sau 2 tháng đưa vào hoạt động, tuyến xe buýt điện vận chuyển hơn 80.000 lượt khách, trung bình đạt 15,7 hành khách/chuyến, cao hơn so với trung bình toàn hệ thống xe buýt thời điểm hiện tại (13,2 hành khách/chuyến).

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàn chia sẻ: “Với chất lượng phục vụ tốt, thân thiện môi trường, tuyến D4 sẽ thu hút thêm hành khách. Trong thời gian tới, thành phố sẽ mở thêm nhiều tuyến phục vụ người dân, góp phần xây dựng mạng lưới giao thông công cộng xanh, văn minh, hiện đại”.

Tiếp tục phát triển

Theo Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải) Đỗ Ngọc Hải, dự kiến đến quý IV-2022, thành phố phát triển thêm 4 tuyến xe buýt điện, gồm: Vinhomes Grand Park - trung tâm thương mại Emart; Vinhomes Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất; Vinhomes Grand Park - Bến xe miền Đông mới và Bến xe miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia.

Về xe đạp công cộng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (Tập đoàn Trí Nam, đơn vị đầu tư) Ðỗ Bá Quân thông tin, sau 6 tháng hoạt động, thành phố sẽ đánh giá và xem xét để cho phép mở rộng loại hình này ra các quận như quận 3, 5, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận… Nhà đầu tư đã sẵn sàng triển khai thêm 150 trạm thuê xe với khoảng 1.000 - 1.500 xe đạp mới.

Cùng với mục tiêu tăng cường phát triển giao thông “xanh”, UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản đồng ý với đề nghị của Sở Giao thông Vận tải về tưới nước rửa mặt đường trong các ngày nắng nóng từ tháng 5-2022, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và xử lý các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Đáng chú ý, từ năm 2013, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án sản xuất 300 xe buýt CNG (chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng) và giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Cơ khí giao thông Sài Gòn (SAMCO) triển khai thực hiện. Mục tiêu của Đề án bao gồm: Thay thế dần các xe buýt hư hỏng, xuống cấp, không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện vận tải hành khách công cộng; là giải pháp góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến việc xây dựng hệ thống giao thông xanh văn minh.

Theo đó, từ năm 2016 đến nay, ngành Giao thông đã từng bước thay thế 23 xe buýt cũ chạy nhiên liệu diesel gây ô nhiễm môi trường bằng 23 xe buýt CNG mới, hoạt động trên tuyến số 53, mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao. Trong quý III-2022, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục của dự án phát triển giao thông xanh, với nguồn kinh phí hơn 3.272 tỷ đồng. Với kế hoạch này, thành phố sẽ xây dựng 1 tuyến buýt nhanh BRT dọc Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chiều dài 23km, dự kiến vận hành từ quý II-2024, sử dụng xe buýt CNG.

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Lương Minh Phúc cho biết: “Ngân hàng Thế giới cũng ủng hộ thành phố tiếp tục triển khai, hoàn thành dự án theo hướng kêu gọi xã hội hóa đầu tư các tuyến xe buýt qua hình thức đấu thầu. Phương tiện sẽ là xe buýt điện hoặc loại sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực phát triển giao thông xanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.