Góc nhìn

Giao thông xanh - xu hướng tất yếu

Đình Hiệp 14/08/2024 - 06:29

Phát triển giao thông xanh là xu thế tất yếu nhằm góp phần cải thiện điều kiện giao thông, giảm thời gian và chi phí đi lại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Đây là yêu cầu cần thiết để hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững trên thế giới cũng như tại Việt Nam.

Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này, tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mêtan của ngành Giao thông vận tải, đã đặt ra các mục tiêu quan trọng cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nâng tỷ lệ sử dụng xe buýt xanh lên 50% vào năm 2030 và đạt 100% vào năm 2035.

Thời gian qua, cả hai thành phố có lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nhất cả nước này đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong việc người dân sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng điện. Chính quyền các thành phố và doanh nghiệp đã đầu tư phương tiện, hệ thống hạ tầng liên quan nhằm đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Trong đó, thành phố Hà Nội hiện có hơn 2.000 xe buýt thì có 277 xe điện và xe sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số phương tiện. Thành phố cũng đã cấp phép hoạt động cho hàng nghìn xe taxi điện; đưa xe đạp, xe đạp điện công cộng vào phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại một số quận. Ngoài ra, tiếp nối thành công của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động từ năm 2021, ngày 8-8 vừa qua, thành phố chính thức đưa vào khai thác đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.

Việc sử dụng phương tiện xanh trong vận tải hành khách công cộng của Hà Nội không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn dần thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân, chuyển sang phương tiện vận tải công cộng.

Tuy nhiên, để có thể về đích đúng thời hạn theo mục tiêu tại Quyết định số 876/QĐ-TTg là nhiệm vụ không hề đơn giản với cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt là những khó khăn trong xây dựng mạng lưới giao thông công cộng xanh; thay đổi thói quen cho người dân từ việc sử dụng các phương tiện gây ảnh hưởng đến môi trường sang sử dụng phương tiện xanh...

Trước yêu cầu cấp thiết trên, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 10-8-2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc điện cho phương tiện giao thông xanh. Theo đó, chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại các hội nghị quốc tế.

Theo đó, để thực hiện được yêu cầu phát triển giao thông xanh cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần chủ động tiếp tục triển khai các nội dung của Quyết định số 876/QĐ-TTg. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát những khó khăn, vướng mắc cả về cơ chế chính sách, công nghệ đến nguồn lực... để kiến nghị giải pháp thực hiện.

Cùng với đó là tiếp tục tạo cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với hoạt động sản xuất, nhập khẩu, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng năng lượng xanh. Trong đó, bao gồm cả chính sách thiết thực, hiệu quả như hỗ trợ đầu tư các trạm sạc điện, hỗ trợ chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông xanh…

Người dân đóng vai trò quan trọng trong quá trình xanh hóa phương tiện giao thông, bởi họ là những người trực tiếp sử dụng phương tiện, tham gia giao thông. Do vậy, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân, qua đó thay đổi nhận thức để họ thấy được lợi ích lâu dài của việc xanh hóa phương tiện giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao thông xanh - xu hướng tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.