(HNMO) - Ngày 22-7, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị công bố Chương trình Chuyển đổi số và hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng đông đảo dại diện các ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp.
Theo chương trình, đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại thành phố Hồ Chí Minh đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu thành phố.
Đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 60%. Hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
Mục tiêu cơ bản đến 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%. Cũng đến năm 2030, thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, thành phố đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp; đồng thời phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu.
Theo đồng chí Dương Anh Đức, một số ngành, lĩnh vực sẽ được ưu tiên chuyển đổi số như: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng và đào tạo nhân lực.
“Trước hết, thành phố ưu tiên xây dựng hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, phục vụ xây dựng chính quyền điện tử”, đồng chí Dương Anh Đức nói.
Chương trình chuyển đổi số của thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; Đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Đề án Kiến trúc chính quyền điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.