(HNMO) - Một trong những khó khăn mà ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt sau khoảng 1 tháng triển khai năm học mới 2022-2023 là thiếu giáo viên một số bộ môn theo Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, trong năm học 2022-2023, thành phố thiếu gần 6.000 giáo viên, do số lớp, số học sinh nhiều bậc học tăng cao. Trong đó, bậc THCS thiếu 2.467 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 2.169 giáo viên, bậc mầm non thiếu 1.066 giáo viên. Thành phố đang triển khai đợt 2 thi tuyển giáo viên, nhưng không dễ bù đắp số lượng thiếu hụt này.
Đơn cử, ngành Giáo dục quận Bình Tân đang thiếu nhiều giáo viên môn phụ. Tại Trường THCS Bình Hưng Hòa, nhà trường chỉ có 1 giáo viên dạy môn Mỹ thuật, nhưng có tới 56 lớp. Tại Trường THCS Lạc Long Quân, nhà trường có đến 21 lớp 6. Thầy Hà Ngọc Huy Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường đang thiếu khoảng 30 giáo viên các môn công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, tin học, khoa học tự nhiên và giáo viên làm tổng phụ trách đội.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại quận 6. Hiện quận còn 1 trường tiểu học chưa tuyển được giáo viên tiếng Anh và 7 trường thiếu giáo viên Tin học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, việc tuyển dụng giáo viên dạy môn tiếng Anh và tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 gặp nhiều khó khăn, nhất là ở ngoại thành (các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè).
Ngoài ra, ngành cũng còn lúng túng trong bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp (lý, hóa, sinh hoặc sử, địa…), bởi phần lớn giáo viên trước đây được đào tạo dạy các môn riêng, nay chỉ qua tập huấn là đứng lớp dạy tích hợp, chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo chính quy.
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Đơn cử, với mục tiêu 100% học sinh lớp 3 được học các môn tin học và tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Sở đã yêu cầu phòng giáo dục các địa phương xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến. Cụ thể, giáo viên đứng dạy trực tiếp ở 1 lớp, nhưng cũng dạy trực tuyến song song với nhiều lớp ở nhiều trường khác. Cùng với đó, bố trí giáo viên 2 môn này dạy liên trường; giáo viên cấp THCS dạy cả cấp tiểu học…
Một số địa phương còn ký hợp đồng với giáo viên đã nghỉ hưu dạy một số môn, như công nghệ, mỹ thuật… Đơn cử, cô Phùng Thị Hoàng Yến vốn là giáo viên đã có 36 năm giảng dạy môn công nghệ, năm 2020, cô nghỉ hưu. Từ đầu năm học 2022-2023, cô được Ban Giám hiệu Trường THCS Lạc Long Quân và Trường THCS Trần Quốc Toản (cùng ở quận Bình Tân) mời làm giáo viên hợp đồng môn công nghệ lớp 6. Các trường phối hợp sắp xếp lịch không trùng nhau, tạo điều kiện cho cô lên lớp 12 tiết/tuần.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giáo viên hợp đồng, thỉnh giảng... đang bổ sung nguồn giáo viên cho thành phố, vì nhiều thầy cô giáo lớn tuổi nhưng vẫn tha thiết với nghề. Tuy nhiên, thù lao cho giáo viên thỉnh giảng chưa cao; thời gian ký hợp đồng theo quy định không quá 12 tháng, nên vẫn còn khó khăn trong thu hút thêm giáo viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.