(HNM) - Hiện khu vực các quận trung tâm thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện ngày càng nhiều công trình xây dựng cao tầng. Thực trạng đô thị “nén” đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề giao thông, gây ùn ứ nhiều tuyến đường. Thành phố sẽ nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị, tập trung đồng bộ hạ tầng giao thông với các dự án đầu tư xây dựng, nhất là nhà cao tầng.
“Nén” nhà cao tầng tại nhiều tuyến đường
Anh Phan Thành Tâm (ở phường 2, quận Tân Bình) cho biết, hằng ngày, anh đi làm thường xuyên trên đường Phổ Quang. Trước đây, tuyến đường này chưa có nhiều chung cư cao tầng, tình trạng ùn tắc giao thông ít diễn ra. Bây giờ, chung cư mọc lên nhiều nên ùn tắc thường xuyên hơn.
Đường Phổ Quang (quận Tân Bình) có chiều dài chưa tới 2km nhưng có khoảng 15 tòa nhà cao tầng. Tương tự, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) dài chỉ khoảng 3km nhưng đang “gánh” tới cả chục tòa nhà chung cư, chưa kể các khu trung tâm thương mại luôn tập trung đông người. Đường Bến Vân Đồn (quận 4) dài khoảng 2km có đến gần 20 tòa nhà cao tầng. Cách đó không xa, đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng có hơn 10 tòa nhà cao tầng.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có hơn 1.000 tòa nhà cao từ 25m trở lên. Trong đó, chỉ riêng khu vực trung tâm có gần 300 tòa nhà cao từ 18 tầng trở lên, tập trung tại các quận 1, 3, 4, 7, Bình Thạnh, Tân Bình…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các công trình cao ốc chắc chắn sẽ làm tăng dân số thường trú và vãng lai. Chẳng hạn, chung cư sẽ làm tăng dân số mới cư trú; trung tâm thương mại làm tăng số người đến mua sắm, tham quan; cao ốc văn phòng làm tăng số người làm việc. Kéo theo đó là gia tăng số lượng xe ô tô, xe máy đến và đi.
Còn theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch), để phát triển đô thị bền vững, hạ tầng giao thông phải đi trước. Trong khi đó, tại các quận trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, cao ốc mọc lên ngày càng nhiều. Điều đáng lo ngại là đường giao thông khu vực này hiện khá nhỏ hẹp, vài chục năm nữa chưa chắc mở rộng được bởi chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn.
Phải đánh giá tác động giao thông
Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận. Riêng quận 1, quận 3 chỉ ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch như dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng... cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Song song, thành phố ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như các tuyến đường sắt đô thị (metro), đường vành đai.
Nhằm khắc phục tình trạng quá nhiều nhà cao tầng dẫn đến tắc nghẽn giao thông, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất và được UBND thành phố chấp thuận triển khai việc đánh giá tác động giao thông đối với các công trình xây dựng mới trước khi cấp giấy phép xây dựng. Theo đó, tất cả dự án như chung cư cao tầng, khu nhà ở thấp tầng, trung tâm thương mại, trường học,… nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập báo cáo đánh giá tác động giao thông công trình đầu tư xây dựng. Đối với các dự án ở khu vực nội thành, phạm vi đánh giá tác động giao thông tính bán kính 0,5km từ vị trí dự án trở ra; đối với các dự án ở ngoại thành, tính bán kính 0,3km từ vị trí dự án trở ra.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, căn cứ kết quả đánh giá, cơ quan chức năng sẽ xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và số liệu cũng được cập nhật vào dữ liệu chung của thành phố để phân tích, đưa ra các giải pháp điều hành giao thông, phát triển đô thị. Đây cũng là cơ sở để xác định đề xuất quy mô dự án và quá trình tổ chức thực hiện nhằm phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, tương lai.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững đô thị thành phố Hồ Chí Minh là vấn đề rất quan trọng. Thành phố đang khẩn trương lập quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 theo các định hướng phát triển đô thị lớn, siêu đô thị với đa trung tâm nhằm giảm độ nén ở khu vực trung tâm hiện hữu. Chính quyền thành phố thống nhất quan điểm chỉ đạo là phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết và thích ứng biến đổi khí hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.