Kinh tế

Hà Nội phấn đấu năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Việt Tuấn 25/02/2025 - 13:23

Tại kỳ họp chuyên đề diễn ra sáng 25-2, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

khdt-quan.jpg
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân trình bày Tờ trình. Ảnh: Viết Thành

Theo đó, HĐND thành phố thông qua “Báo cáo bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên”, cụ thể như sau:

GRDP tăng 8% trở lên, trong đó: Dịch vụ tăng 8,6% trở lên; công nghiệp tăng 7% trở lên; xây dựng tăng 8,9% trở lên; nông nghiệp tăng 3,1% trở lên; thuế sản phẩm tăng 5,7% trở lên. GRDP/người đạt 175 triệu đồng. Vốn đầu tư xã hội 622,7 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7%. Chỉ số CPI dưới 5%.

Trước khi bấm nút thông qua nghị quyết, điều hành phần thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, nhiệm vụ đạt mức tăng trưởng kinh tế Thủ đô 8% trong năm 2025 đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5-2-2025. Việc UBND thành phố trình điều chỉnh nâng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 6,5% tại Nghị quyết số 58/NQ-HĐND ngày 10-12-2024 tăng lên tối thiểu 8% với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bổ sung thể hiện quyết tâm, nỗ lực của thành phố trong thực hiện nhiệm vụ Trung ương giao.

Tại hội nghị, các đại biểu: Phạm Đình Đoàn (Tổ Mê Linh), Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai), Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Quốc Oai) đã trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực quan trọng như: Thu hút đầu tư, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, kích cầu tiêu dùng, phát triển du lịch, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…

nga.jpg
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Viết Thành

Đề nghị UBND làm rõ thêm một số nội dung và để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong báo cáo, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị, địa phương; xem xét điều chỉnh tên nghị quyết là “Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên”.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án năm 2025

Trước đó, HĐND thành phố thống nhất với Tờ trình của UBND thành phố về điều chỉnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, thành phố đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi); xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thành phố hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để trong từng ngành, lĩnh vực…; lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, nhất quán, đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao chất lượng, phát huy tính sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thành phố tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư cả trong và ngoài ngân sách, nhất là các nhóm có thủ tục hồ sơ hành chính nhiều giao dịch như: Tư pháp, đất đai, xây dựng, lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm, thuế...

HĐND thành phố cũng tán thành việc thành phố phát huy tối đa và làm mới các động lực truyền thống; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công: Xây dựng kế hoạch tiến độ, giải ngân từng tháng, từng dự án ngay từ đầu năm, phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2025 đạt trên 95%.

Đăc biệt là tập trung cao độ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án, trọng tâm là: Các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương; các dự án thực hiện đã quá thời gian bố trí kế hoạch vốn (nhóm A: 6 năm, nhóm B: 4 năm, nhóm C: 3 năm); các dự án hết năm 2024 là hết thời gian thực hiện nhưng đến nay chưa được phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để đủ điều kiện bố trí vốn; các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt dự án; các dự án trọng điểm (khởi công cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị số 5).

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025, như: Hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố; tuyến đường Tây Thăng Long từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm và dự án thành phần 1 của Dự án Vành đai 4.

Xây dựng kế hoạch đấu giá, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn thành phố và tập trung chỉ đạo triển khai để đảm bảo nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công năm 2025; trong đó, 5.117 tỷ đồng của các quận, huyện, thị xã giao cao hơn so với thành phố giao.

Đồng thời, triển khai các giải pháp tài chính (bổ sung nguồn tăng thu thưởng vượt thu, ứng từ Quỹ dự trữ tài chính, ứng kế hoạch năm sau…) để bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công khi các dự án có đủ điều kiện bố trí vốn, có khả năng hấp thụ vốn.

Phấn đấu vốn FDI đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD

Thành phố tiếp tục thúc đẩy đầu tư tư nhân, các ngành công nghiệp có thế mạnh. Cụ thể, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức các diễn đàn để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phấn đấu số doanh nghiệp đăng ký mới tăng trên 2%.

Hà Nội sẽ tích cực rà soát, tháo gỡ các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, phấn đấu có ít nhất 50% số dự án khởi động lại; phấn đấu vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách tăng trên 18%.

Thành phố tập trung xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, tập trung thu hút vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các ngành công nghiệp như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, điện tử - tin học, chế tạo và lắp ráp ô tô, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao, công nghệ sinh học, hóa dược…; phấn đấu vốn FDI đăng ký đạt khoảng 3 tỷ USD.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, thành phố hoàn thành 25 cụm công nghiệp đã khởi công xây dựng và thu hút đầu tư, lấp đầy khoảng 25% diện tích; khởi công xây dựng mới 18 cụm công nghiệp và 1 khu công nghiệp; thành lập, mở rộng khoảng 15-20 cụm công nghiệp. Đặc biệt là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật điện, đảm bảo nguồn cung điện cho các khu công nghiệp, khu công nghệ cao Hòa Lạc, các cụm công nghiệp, các đô thị, vùng sản xuất và phục vụ tiêu dùng; phát triển mạnh công nghiệp ICT, hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; phấn đấu có khoảng 20-25 doanh nghiệp với 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt trên 7%.

Phấn đấu thu hút 31 triệu lượt du khách

Về thúc đẩy tiêu dùng, thu hút khách du lịch, thành phố kêu gọi đầu tư khu thương mại Outlet; đầu tư xây dựng chợ đầu mối Yên Thường, Gia Lâm, chợ đầu mối nông sản tổng hợp tại Mê Linh; xây dựng đảm bảo 50% số xã có điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; có thêm ít nhất 1 trung tâm thương mại, 6 siêu thị, 15 chợ trên địa bàn; tăng số lượng các đợt kích cầu tiêu dùng, các hội chợ so với kế hoạch đã duyệt; phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng trên 14%.

Hà Nội chú trọng phát triển các trung tâm dịch vụ, kho vận và chuỗi dịch vụ logistics mức độ 3PL, 4PL, 5PL; phấn đấu giá trị gia tăng ngành vận tải, kho bãi 7,9%.

Thành phố sẽ đưa vào khai thác một số tuyến, điểm đến, mô hình du lịch mới; có thêm 1 đến 2 tour du lịch golf chất lượng; 1 đến 2 khu vực phố đi bộ gắn với các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề. Hình thành tổ hợp thể thao kết hợp vui chơi, giải trí, du lịch đêm tại khu vực trường đua xe, quận Nam Từ Liêm...

Hà Nội phấn đấu thu hút khách du lịch đến Hà Nội đạt 31 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế 7,5 triệu lượt (5,3 triệu lượt có lưu trú); công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn trên 65%; tổng thu từ khách du lịch tăng trên 13% (khoảng 125,3 nghìn tỷ đồng); giá trị gia tăng dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng trên 9%; giá trị gia tăng dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng trên 10,5%.

duc.jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai) phát biểu ý kiến. Ảnh: Viết Thành

Về thúc đẩy xuất khẩu, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường và hàng rào thuế quan của các quốc gia, nhất là chính sách thương mại của Mỹ trong bối cảnh hiện nay; xây dựng các kịch bản thích ứng kịp thời các tình huống, tận dụng các yếu tố thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7% trở lên.

Hà Nội sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới: Mở rộng không gian phát triển, chuẩn bị đầu tư hạ tầng để từng bước hình thành thành phố phía Tây (đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; chuẩn bị đầu tư và khởi công cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát); Thành phố phía Bắc sông Hồng (khởi công Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc - Xuân Mai); đẩy nhanh tiến độ đường cao tốc Đại lộ Thăng Long đoạn nối từ quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; quốc lộ 6; Trục tây Thăng Long...); chuẩn bị đầu tư để phát triển 5 trục động lực: Trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Cổ Loa; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục phía Nam.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

huong.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (Tổ Quốc Oai) trao đổi tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

HĐND thành phố cũng đồng tình với giải pháp của UBND thành phố về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó có việc khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thực hiện hỗ trợ một số doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo có hiệu quả để định hướng, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp; phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đạt trên 50%.

Thành phố ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực... Thực hiện hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ đối với các sản phẩm gắn với chương trình OCOP.

doan.jpg
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Mê Linh) trao đổi tại kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số làm nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số; xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật…

Đặc biệt là thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thúc đẩy phát triển kinh tế số, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ số trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ... phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 30%.

Thành phố chú trọng phát triển các mô hình tăng trưởng mới; nâng cao năng suất lao động. Cụ thể là tổng kết, nhân rộng các mô hình tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế đô thị, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, trí tuệ nhân tạo…); đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế đêm thông qua các loại hình dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; có thêm 1 - 2 khu vực phố đi bộ gắn các tuyến phố ẩm thực, biểu diễn văn hóa theo chủ đề.

Đi đôi với đó là đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao phục vụ trong các ngành quản lý và các ngành sản xuất, nhất là sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ…; thúc đẩy chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có năng suất cao hơn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp truyền thống; chuyển dần lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức của nền kinh tế.

HĐND thành phố cũng thông qua kế hoạch phân bổ vốn trung hạn 5 năm 2021-2025 và năm 2025 cho cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu như phụ lục kèm theo.

Thành phố phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho thực hiện thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo cơ chế thanh toán linh hoạt: 300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội phấn đấu năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.