(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, người dân để hoàn thiện quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Qua đó, nhằm đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm giao thương quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.
Điểm nhấn sông Sài Gòn
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, trong quy hoạch tổng thể thành phố, sông Sài Gòn là điểm nhấn. Sông Sài Gòn dài hơn 250km thì có đến 80km chảy qua địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Dọc bờ sông Sài Gòn khu vực trung tâm thành phố có công viên bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng... cùng hàng loạt các cây cầu lớn như: Bình Lợi, Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm, Phú Mỹ… tạo điểm nhấn cảnh quan, kiến trúc đặc trưng cho thành phố. Thực tế, sông Sài Gòn có tiềm năng to lớn chưa được khai thác hết cả về giao thông, cảnh quan và phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị nhận định, để khai thác hiệu quả sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ, thành phố cần đưa ra các tiêu chí rõ ràng. Đồng thời có quy hoạch tổng thể trên cơ sở định hướng phát triển bền vững và phân công đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo lộ trình đề ra. Thành phố sớm có cơ chế kêu gọi các đối tác tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm năng, thực lực tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần làm nổi bật chuỗi giá trị văn hóa, di tích, lịch sử riêng có của sông Sài Gòn.
Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh Khương Văn Mười nhấn mạnh, quy hoạch sông Sài Gòn phải phát triển, kết nối và khai thác dọc sông. Từng đoạn nên có các công trình điểm nhấn. Nhưng rất cần hạn chế các khu dân cư và nhà cao tầng dọc hai bên bờ sông để phù hợp với quy hoạch cảnh quan.
Để sông Sài Gòn thành điểm nhấn trong quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã cho biết, Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông, giai đoạn 2020-2045” đã được UBND thành phố phê duyệt. Đây là một trong những cơ sở để thành phố quy hoạch và phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn đồng bộ và khoa học.
Phát triển các yếu tố đặc trưng
Bên cạnh lấy sông Sài Gòn là điểm nhấn quan trọng, để quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh hoàn chỉnh, Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, còn nhiều vấn đề, hạng mục cần quan tâm. "Mô hình “thành phố trong thành phố” duy nhất xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, nên cần sớm có quy hoạch riêng cho thành phố Thủ Đức và các huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ... nằm trong tổng thể quy hoạch toàn thành phố Hồ Chí Minh, mới sớm phát huy hiệu quả của mô hình này", Tiến sĩ Võ Kim Cương nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng nhận định, thành phố Thủ Đức đã có định hướng phát triển đến năm 2040 với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ, tài chính quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh và quốc gia. Còn Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, rừng ngập mặn và khu dự trữ sinh quyển thế giới tại huyện Cần Giờ đã được xác định quy hoạch phát triển theo hướng du lịch, đô thị sinh thái... Đây là những định hướng quan trọng cho lập quy hoạch các tiểu vùng trong tổng thể quy hoạch chung.
Đề cao phát triển mảng xanh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần quy hoạch thành phố theo hướng xanh, trong đó có mô hình khu đô thị sinh thái và bán đảo Bình Quới - Thanh Đa rất thuận lợi để phát triển mô hình này. Hay vùng đất phía Tây Bắc thành phố nếu được khai thác đúng mức không chỉ tăng mảng xanh, mà còn phát triển kinh tế và kéo giãn dân số cho nội thành. Do đó, cần sớm có cơ chế thu hút nguồn lực xã hội để phát triển mảng xanh.
Theo Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Nguyễn Thanh Nhã, UBND thành phố đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ và tổng dự toán chi phí thiết lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính thành phố với diện tích 2.095km2 và khu vực biển Cần Giờ. Mục tiêu nhằm điều chỉnh quy hoạch chung thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế… Thành phố phấn đấu hoàn thành công tác lập đồ án quy hoạch vào quý II-2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.