(HNMO) - Ngày 7-4-2022, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù giúp củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thấy y tế cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi sắc trở lại, khi có cơ chế thu hút và giữ chân được nhân viên y tế.
Vai trò lớn, nguồn lực hạn chế
Trong suốt cao điểm chống dịch Covid-19 trong các năm 2020 và 2021 vừa qua, y tế cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đã phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn, khi vừa phải quản lý F0, F1 trên địa bàn; quản lý, chăm sóc người trong diện nguy cơ cao trước dịch Covid-19; hỗ trợ tiêm vắc xin phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân điều trị các bệnh thông thường khác. Nhận thấy vai trò quan trọng của y tế cơ sở, ngoài 310 trạm y tế xã phường vốn có, thành phố còn được bổ sung hơn 400 trạm y tế lưu động để đảm nhiệm những phần việc nêu trên.
Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng nhận xét: “Chưa bao giờ hình ảnh nhân viên y tế tại các cơ sở y tế, nhất là trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động đã để lại những dấu ấn rõ nét trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn đến thế, từ công tác xét nghiệm, cấp phát thuốc tại nhà cho đến tư vấn, sơ cấp cứu… Chính hoạt động chăm sóc F0 tại nhà hiệu quả đã góp phần không nhỏ giúp thành phố kiểm soát được dịch bệnh”.
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 310 trạm y tế với hơn 2.014 người (thiếu 273 người theo biên chế) bao gồm 1.729 viên chức và 285 lao động hợp đồng. Trong đó, số bác sĩ là viên chức là 276 người, 163 bác sĩ hợp đồng và 28 bác sĩ tăng cường do luân phiên, biệt phái từ các đơn vị tuyến trên. Cùng với đó, các trạm y tế còn thiếu nhiều chức danh trưởng trạm, phó trạm do chưa đáp ứng trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước...
Hiện nay, các trạm y tế chưa thu hút được nhiều người dân đến khám, chữa bệnh, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng chia sẻ, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo niềm tin cho người dân đến khám, chữa bệnh tại trạm y tế, thành phố cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế làm việc.
Chính sách hỗ trợ kịp thời
Nghị quyết được HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua chiều 7-4 về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và đến năm 2025 có nhiều điểm đáng chú ý, được triển khai từ nay đến hết năm 2025.
Nghị quyết nhấn mạnh hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn là đơn vị y tế đóng vai trò quan trọng, là nơi triển khai hầu hết các hoạt động y tế dự phòng, phòng, chống dịch bệnh, khám - chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Cụ thể bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế sẽ nhận mức hỗ trợ là 60 triệu đồng trong 18 tháng. Điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại trạm y tế nhận mức hỗ trợ là 30 triệu đồng trong 9 tháng.
Người lao động cao tuổi có chuyên môn bác sĩ được ký hợp đồng làm việc với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế khác, trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ được ký hợp đồng với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng.
Nghị quyết về các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 còn tạo cơ chế tăng cường nguồn nhân lực cho trạm y tế đối với bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế; điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại trạm y tế.
Trước đó, từ ngày 16-2, thành phố Hồ Chí Minh đã thí điểm triển khai đưa 295 bác sĩ trẻ về tăng cường y tế cơ sở thông qua chương trình thí điểm thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Thực tế cho thấy, bước đầu các bác sĩ trẻ đã thích ứng được môi trường mới, có ngày thực hành tại bệnh viện, có ngày thực hành tại trạm y tế.
Ngoài ra, nghị quyết còn quy định khung chính sách hỗ trợ kinh phí kí hợp đồng cho nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị. Theo đó, thành phố cho phép các trạm y tế ký kết hợp đồng lao động đối với người làm công tác vệ sinh, bảo vệ với mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định hiện hành. Lương và các khoản chi phí mà đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc cho người lao động với tổng số tiền bằng 5,5 triệu đồng/người/tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.