Y tế

Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3:“Lá chắn” là hệ thống y tế cơ sở

Thu Trang 24/03/2024 - 06:48

Bệnh lao luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trong cộng đồng do dịch tễ bệnh lao khá nặng nề, tốc độ giảm chậm trong khi kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống còn thấp.

Để đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, hệ thống y tế cơ sở đang được kỳ vọng trở thành “lá chắn” với những đột phá trong việc phát hiện, điều trị và quản lý bệnh lao trong cộng đồng.

tuvan.jpg
Tư vấn, hướng dẫn tầm soát, sàng lọc bệnh lao cho người dân tại phòng khám lao, phòng khám ngoại trú (Trung tâm Y tế quận Ba Đình). Ảnh: Xuân Lộc

Nguồn lây từ 50% bệnh nhân lao không triệu chứng

Theo Báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là nước chịu gánh nặng về bệnh lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Cụ thể, theo số liệu ước tính năm 2023, Việt Nam đã có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong vì căn bệnh này. Ngoài ra, lao đa kháng thuốc ước tính có khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia Nguyễn Bình Hòa cho biết, một trong những nguyên nhân khiến dịch tễ lao toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng còn nặng nề, tốc độ giảm quá chậm là do lao tiềm ẩn. Cụ thể, hiện có rất nhiều bệnh nhân lao chưa được phát hiện. Số liệu điều tra cho thấy, có khoảng 50% bệnh nhân lao được phát hiện đều không có triệu chứng. Đây chính là nguồn lây bệnh tiềm ẩn cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, đến nay, mới có 51/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập bệnh viện phổi hoặc bệnh viện lao và bệnh phổi. Còn lại 12 tỉnh chưa thành lập bệnh viện lao, phổi nên công tác chống lao gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tăng thêm nhân lực trong công tác phòng, chống bệnh lao, Chương trình Chống lao quốc gia đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở. Đây được xem là lực lượng gần dân nhất, trực tiếp nhất.

Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia Đinh Văn Lượng cho rằng, hệ thống phòng, chống lao cần được lồng ghép với hệ thống y tế chung. Thêm vào đó, các dịch vụ khám, chữa bệnh lao cần được bao phủ rộng khắp tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, nhất là tuyến cơ sở. Nhờ đó, người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện, được chẩn đoán bệnh sớm và đưa vào điều trị, cắt đứt nhanh nguồn lây bệnh trong cộng đồng. “Một mạng lưới y tế cơ sở hoạt động rộng khắp, có đủ năng lực, trách nhiệm, tâm huyết luôn là “lá chắn” bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao - kẻ giết người thầm lặng”, ông Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.

Nâng cao hiệu quả giám sát

Dịch tễ lao tại Hà Nội đang xếp ở mức trung bình tại khu vực miền Bắc với 51 ca bệnh/100.000 dân. Trong năm 2023, thành phố đã phát hiện được 4.057 bệnh nhân lao các thể nhờ đẩy mạnh công tác giám sát, phát hiện sớm người bệnh thông qua hệ thống y tế cơ sở.

Được sự chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật của Chương trình Chống lao và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC), trong năm 2023, phòng khám lao, phòng khám ngoại trú, Trung tâm Y tế quận Ba Đình đã điều trị và quản lý trên 150 bệnh nhân lao các thể, đạt kết quả khỏi 95%. Ngoài ra, phòng khám đã tư vấn và làm xét nghiệm sàng lọc tối đa cho những đối tượng tiếp xúc trực tiếp nguồn lây, phát hiện hơn 40 bệnh nhân lao tiềm ẩn. Đơn vị cũng đã chủ động lập kế hoạch khám sàng lọc tại địa bàn có dịch tễ lao cao, phát hiện hơn 10 bệnh nhân trong cộng đồng.

Tuy nhiên, để chương trình phòng, chống bệnh lao tại hệ thống y tế cơ sở đạt hiệu quả cao hơn, bác sĩ Vũ Quốc Tấn, Trưởng phòng Khám lao, phòng khám ngoại trú, Trung tâm Y tế quận Ba Đình đề xuất, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền qua việc chỉ đạo kịp thời, sâu sát về công tác phòng, chống bệnh lao. Mặt khác, nhiệm vụ này còn cần có mạng lưới cộng tác viên y tế hoạt động hiệu quả; sự chung tay, góp sức của các tổ chức quốc tế và nhà hảo tâm hỗ trợ cho chương trình và các bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt…

Nhằm phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao, theo ông Đinh Văn Lượng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Chương trình Chống lao quốc gia - Bệnh viện Phổi trung ương xây dựng “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám chữa bệnh”.

“Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế - Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường và phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở, trong đó có cán bộ làm công tác chống lao. Bên cạnh đó, Chương trình Chống lao quốc gia - Bệnh viện Phổi trung ương sẽ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ phòng, chống lao các tuyến. Đây là yếu tố quan trọng để các dịch vụ khám, chữa bệnh lao có chất lượng cao tới được với người dân”, ông Đinh Văn Lượng chỉ rõ.

Bác sĩ Vũ Quang Hiếu, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam:
Tái cam kết hỗ trợ chấm dứt bệnh lao

vu-quang-hieu.jpg

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao (24-3) năm nay, WHO kêu gọi các quốc gia, trong đó có Việt Nam chung tay thực hiện 5 nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao. Trong 5 nhiệm vụ đó, WHO kêu gọi duy trì nguồn lực bảo đảm tiếp cận toàn diện trong chăm sóc và nghiên cứu về bệnh lao; nhanh chóng phổ biến các phác đồ điều trị lao mới theo hướng dẫn của WHO. Đồng thời, để chấm dứt bệnh lao, tất cả các ngành, của cộng đồng và toàn xã hội cần phối hợp hành động nhằm cung cấp đầy đủ các dịch vụ, hỗ trợ phù hợp và tạo ra một môi trường an toàn.

Đặc biệt, WHO cũng tái cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện thực hóa 5 nhiệm vụ trên để tiến tới các mục tiêu, đó là giảm 75% tỷ lệ chết do lao vào năm 2026 so với 2018; giảm tỷ lệ mắc lao 50% vào năm 2026 so với 2018; giảm 50% tỷ lệ bệnh nhân và gia đình họ đối mặt với chi phí thảm họa vào năm 2026 so với 2018.

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Hoàng Văn Huấn:
Phấn đấu giảm nhanh tỷ lệ mắc mới

hoang-van-huan.jpg

Mục tiêu mà Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội đặt ra trong năm 2024 là giảm nhanh tỷ lệ mắc bệnh mới, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 45 người/100.000 dân; giảm tỷ lệ tử vong do lao trên địa bàn thành phố xuống dưới 4 người/100.000 dân.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình Chống lao thành phố tiếp tục tập trung vào các hoạt động trọng điểm. Cụ thể là duy trì mạng lưới phòng, chống lao từ tuyến thành phố đến quận/huyện/thị xã và 100% xã/phường/thị trấn. Bảo đảm 80% các cơ sở y tế công lập trên địa bàn; 30% các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phối hợp với Chương trình Chống lao thành phố Hà Nội. Đồng thời, xây dựng, duy trì và phát triển hoạt động phối hợp theo 5 mô hình phối hợp, phát hiện, chẩn đoán, quản lý và điều trị tại các bệnh viện, phòng khám của các trung tâm y tế trên địa bàn. Qua đó, sàng lọc lao tiềm ẩn trong người tiếp xúc hộ gia đình, người bệnh nguy cơ cao, trẻ em... nhằm bảo đảm 5.000 người có yếu tố nguy cơ được khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm.

Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Aler Grubbs:
Giảm bớt nỗi sợ hãi và kỳ thị

ba-aler-grubbs.jpg

Kể từ năm 2019, USAID đã hợp tác với Chương trình Chống lao quốc gia của Việt Nam để hướng tới các tác động lâu dài. Chúng tôi hỗ trợ tập trung vào 3 lĩnh vực chính, gồm: Nâng cao năng lực phòng, chống bệnh lao trong hệ thống y tế cả công và tư; cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ bệnh lao cho những người có nguy cơ; hỗ trợ Chương trình Chống lao quốc gia và các đối tác liên quan bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho công tác phòng, chống lao.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để đưa ra các kinh nghiệm và sáng kiến tốt nhất mang lại lợi ích cho công tác phòng, chống lao tại tất cả các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Thông điệp chính trong Ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay là toàn xã hội nên cùng nhau hợp tác để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao. Chúng ta phải giảm bớt nỗi sợ hãi và kỳ thị về bệnh lao, một căn bệnh có thể điều trị và phòng ngừa được.

Lưu Thu ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Thế giới phòng, chống lao 24-3: “Lá chắn” là hệ thống y tế cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.