Y tế

Nhiều chính sách chưa tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh

Thu Trang 18/11/2023 - 17:14

Nhiều chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh, dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.

Ngày 18-11, Sở Y tế Hà Nội tổ chức hội thảo “Y tế cơ sở: Từ chính sách đến hành động” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối gần 1.000 điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

thu-truong-do-xuan-tuyen-phat-bieu-ngay-18-11.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội thảo.

Thông tin được đưa ra từ hội thảo cho thấy, có 10 nhóm bệnh nhập viện cao nhất, như: Tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… Nếu những nhóm bệnh này được kiểm soát tốt ngay tại y tế cơ sở thì sẽ giảm được khoảng 80% các ca nhập viện.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu tại Việt Nam, khoảng 30% các trường hợp nhập viện nội trú có thể dự phòng được thông qua việc tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, cần thực hiện chiến lược xây dựng nền y tế cơ sở theo hướng nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, thay cho chiến lược tập trung phát hiện và điều trị bệnh, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế phù hợp với yêu cầu mới. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp tăng ngân sách đầu tư cho dự phòng, nâng cao sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mặc dù được Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư trong suốt thời gian qua, song y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế chính sách, cơ chế tài chính và nguồn nhân lực.

Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà cho rằng, trên thực tế, người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được tư vấn về sức khoẻ thường chiếm tỷ lệ thấp và càng ngày càng sụt giảm. Có nhiều nguyên nhân, như “chất lượng dịch vụ”, “lòng tin của người dân” hay cơ chế chính sách và mức đầu tư. Nhiều chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng khó được cải thiện.

“Những quy định như phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề, danh mục kỹ thuật tại trạm y tế xã hay chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế và một số quy định khác đã làm giảm lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh tại tuyến y tế xã, bệnh viện tuyến huyện. Thêm vào đó, tuyến y tế cơ sở hạn chế phát triển chuyên môn, thiếu thuốc tốt, trang thiết bị cần thiết, các thầy thuốc giỏi, trình độ cao đã dịch chuyển về làm việc ở các bệnh viện tuyến trên và khu vực tư nhân. Người dân chưa được khám, phát hiện, quản lý, theo dõi các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường… một cách bài bản, thường xuyên, liên tục”, Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà phân tích.

quang-canh-hoi-thao.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, tại tuyến xã hiện có 182 danh mục kỹ thuật được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán, nhưng hiện các trạm y tế xã chưa thực hiện được khoảng 50% danh mục, chưa được bảo hiểm y tế thanh toán khoảng 50% số danh mục kỹ thuật thuộc phạm vi được triển khai. Luật Bảo hiểm y tế đang sửa đổi trong đó có tháo gỡ khó khăn cho y tế cơ sở, ưu tiên ngân sách cho trạm y tế, chú trọng các chính sách thanh toán về bảo hiểm y tế.

Thí điểm mô hình “Bệnh viện chị - em”

Nhằm đổi mới hơn nữa hoạt động y tế cơ sở, trong tháng 9-2023, Sở Y tế Hà Nội đã giao cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xây dựng và triển khai thí điểm mô hình “Bệnh viện chị - em”.

Theo đó, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tập trung hỗ trợ toàn diện Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì trong các lĩnh vực, như: Quản trị bệnh viện; quản lý, sắp xếp khoa, phòng; đào tạo, hướng dẫn thực hành; chia sẻ kinh nghiệm, phát triển chuyên môn kỹ thuật…

Đến nay, sau 2 tháng được tư vấn, hỗ trợ đào tạo của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Trung tâm Y tế huyện Ba Vì đã triển khai lắp đặt 6 hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng, kết nối hỗ trợ hội chẩn cấp cứu, giao ban trực tuyến tại 3 phòng khám đa khoa. Qua đó, tổ chức khám, tư vấn sàng lọc và quản lý hơn 2.500 lượt người, phát hiện trên 1.200 trường hợp mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường…

Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì đã đưa vào hoạt động Đơn nguyên cấp cứu và Đơn nguyên sơ sinh; thiết lập 1 phòng khám Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, tổ chức giao ban trực tuyến… Qua đó, đã điều trị, cấp cứu cho nhiều trường hợp bệnh nặng, nguy hiểm, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều chính sách chưa tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.