(HNM) - Ngày 8-12-2020, tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non của thành phố Hà Nội. Các chính sách này đều cao hơn 1,5 lần so với quy định chung của cả nước. Đây là tin vui đối với nhiều giáo viên và phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non, đồng thời tiếp tục khẳng định chủ trương ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội, tạo "cú hích" cho giáo dục mầm non phát triển toàn diện, đồng đều hơn.
Nhận diện những khoảng trống
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.140 cơ sở giáo dục mầm non với tổng số hơn 535.000 trẻ theo học. Trong số này có gần 158.000 trẻ theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục (trong đó, 5.312 trẻ có cha, mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp).
Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Hoàng Thanh Hương cho biết, về cơ bản, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố đều có chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tốt. Thành phố duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi từ năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, giáo dục mầm non Hà Nội vẫn còn một số khoảng trống như: Cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ ở một số địa phương còn hạn chế; mức thu nhập của một bộ phận giáo viên, nhân viên thấp…
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh thông tin, trên địa bàn có 5 trường mầm non thuộc 3 xã miền núi là Khánh Thượng, Ba Vì, Yên Bài gặp nhiều khó khăn. Các giáo viên, nhân viên ở đây đều rất vất vả, nhiều cô còn phải đi làm thêm. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp mới đạt hơn 30%, các điều kiện chăm sóc trẻ còn thiếu thốn. Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu, thị trấn Quang Minh có Khu công nghiệp Quang Minh nên nhu cầu gửi con của công nhân, người lao động rất cao. Địa bàn thị trấn có 9 cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục (cả huyện có 27 cơ sở), song chất lượng của một số cơ sở còn hạn chế do hay có sự biến động về giáo viên, các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ chưa đầy đủ…
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 7 cơ sở giáo dục mầm non công lập ở 4 xã thuộc vùng khó khăn (của các huyện Ba Vì, Mỹ Đức); 480 giáo viên đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục nằm ở địa bàn có khu công nghiệp, thuộc các huyện: Quốc Oai, Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Chương Mỹ, Thạch Thất… còn gặp nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ.
Tạo sự bình đẳng cho mọi trẻ em
Theo nội dung Nghị quyết về việc quy định mức hỗ trợ thực hiện một số chính sách phát triển giáo dục mầm non của thành phố vừa được thông qua, có 3 chính sách sẽ được áp dụng, gồm: Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã thuộc vùng khó khăn với mức 3,6 triệu đồng/tháng/45 trẻ; hỗ trợ cho trẻ gửi tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục có cha, hoặc mẹ là công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp với mức 240 nghìn đồng/tháng/trẻ; hỗ trợ giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp với mức 1,2 triệu đồng/ tháng/người. Dự kiến, tổng kinh phí ngân sách để thực hiện các chính sách trong mỗi năm học là hơn 17,7 tỷ đồng.
Các mức hỗ trợ này được xây dựng trên cơ sở Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non và các điều kiện thực tế, qua đó giúp các cơ sở giáo dục mầm non ở mọi địa bàn của Hà Nội phát triển đồng đều về chất lượng, tạo sự bình đẳng cho mọi trẻ em. Các mức hỗ trợ của thành phố đều cao hơn 1,5 lần so với mức quy định tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
Chủ trương này mang lại niềm vui lớn đối với nhiều giáo viên, nhân viên và phụ huynh là công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp. Chị Nguyễn Thị Phương Đông, nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Khánh Thượng A (huyện Ba Vì) chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với nghề 11 năm, hiện có mức thu nhập hơn 3,2 triệu đồng/tháng. Với sự hỗ trợ từ thành phố, tôi rất vui vì sẽ có thêm khoản thu nhập hằng tháng, không phải lo tìm việc làm thêm, chuyên tâm hơn với công việc nấu ăn cho trẻ ở trường”.
Còn cô giáo Hoàng Thị Lan Nhung, Nhóm trẻ Ngôi nhà gấu trúc (huyện Đông Anh) bày tỏ: “Quy định mới của thành phố giúp đội ngũ giáo viên ở các cơ sở mầm non dân lập, tư thục như chúng tôi yên tâm gắn bó với nhiệm vụ chăm sóc trẻ”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) phấn khởi cho biết: “Tới đây, vợ chồng tôi sẽ về quê đón con lên ở cùng và yên tâm gửi con tại nhà trẻ”.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu với UBND thành phố Hà Nội triển khai Nghị quyết, chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ tiết kiệm, hiệu quả. Các chính sách này sẽ tạo "cú hích" cho sự nghiệp trồng người ngay từ giáo dục mầm non, tạo đà nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.