(HNMO) – Tin từ Bộ Công thương cho biết, mặc dù thị trường hàng hóa tháng 4 kém sôi động, song giá nhiều mặt hàng thiết yếu tiếp tục ổn định và giảm nhẹ (xăng dầu, lương thực, thực phẩm, xi măng, thép xây dựng…).
Theo đó, trong tháng 4, giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp với tổng mức giảm gần 1.000 đồng.
Nhìn chung các hoạt động sôi động trên thị trường chủ yếu tập trung vào các hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch trong 2 dịp nghỉ lễ dài cuối tháng 4.
Đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2013 tăng nhẹ 0,02% so với tháng 3-2013. Mặc dù một số nhóm có tỷ trọng lớn như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhà ở, vật liệu xây dựng giảm lần lượt 0,91% và 0,44% nhưng do nhóm thuốc, dịch vụ y tế và nhóm giao thông tăng khá cao lần lượt là 3,62% và 1,2% nên chỉ số giá chung vẫn tăng nhẹ.
Nguyên nhân tăng chỉ giá của 2 nhóm giao thông và thuốc dịch vụ y tế là do việc điều chỉnh giá xăng dầu hồi cuối tháng 3 và điều chỉnh phí dịch vụ y tế của một số địa phương (Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận). Các nhóm hàng còn lại chỉ tăng 0,02-0,45%, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,15%.
Bên cạnh đó, về tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội ước đạt 214.409 tỷ đồng, tăng 0,84% so với tháng 3-2013. Trong đó, mức tăng chủ yếu tập trung ở ngành du lịch (tăng 2,37%) và khách sạn, nhà hàng (tăng 1,16%) do trong tháng có 2 dịp nghỉ lễ dài làm gia tăng nhu cầu du lịch, ăn uống, khách sạn.
Dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 4 tháng đầu năm 2013 đạt 815.890 tỷ đồng, tăng 12,04% so với cùng kỳ năm 2012. Theo cơ cấu, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm khách sạn, nhà hàng tăng 15,18%, nhóm dịch vụ tăng 14,44%; nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất là thương nghiệp chỉ tăng 11,35%. Trong cơ cấu loại hình kinh tế, có thể thấy rõ sự vượt trội của nhóm đầu tư nước ngoài (tăng 35,17%) trong khi đó nhóm kinh tế nhà nước giảm 9,17%; các nhóm còn lại tăng từ 10-17,68%. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ 4 tháng đầu năm chỉ tăng 4,88%.
Trước tình hình diễn biến của thị trường như trên, theo dự báo, trong tháng 5, do sức mua hàng hóa chưa cải thiện nhiều cùng với xu hướng giảm giá của nhiều mặt hàng quan trọng như xăng dầu, một số thực phẩm, lương thực nên mặt bằng giá chung sẽ không có biến động tăng.
Riêng với lĩnh vực chăn nuôi, theo Bộ Công thương gói hỗ trợ cho ngành chăn nuôi hiện chưa phát huy hiệu quả. Những khó khăn của ngành chăn nuôi vẫn chưa được tháo gỡ, giá các sản phẩm chăn nuôi (giá lợn hơi) ở mức thấp, ảnh hưởng tới hiệu quả chăn nuôi, nguy cơ giảm đàn nhất là đối với đàn nái, dễ dẫn tới rủi ro mất cân đối cung cầu về lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.