Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua một tuần giảm sâu.
Lực bán rất mạnh kéo chỉ số MXV-Index rơi gần 3,5%, xuống 2.061 điểm - thấp hơn cả mức đáy trong gần 4 năm đã được ghi nhận vào tháng 6-2023.
Đóng cửa tuần, ngoại trừ thị trường nông sản giữ được đà phục hồi, các nhóm hàng còn lại đều sụt sâu. Trong đó, nhiều mặt hàng năng lượng và kim loại cơ bản chứng kiến giá lao dốc từ 3-10%.
Kết thúc tuần giao dịch từ 2 đến 8-9, giá dầu ghi nhận 5 phiên giảm liên tiếp dưới lo ngại tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu giảm tốc bất chấp tín hiệu gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng trong tháng 10 và tháng 11 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Kết tuần, dầu thô WTI giảm 7,99%, xuống mức 67,67 USD/thùng, dầu thô Brent giảm 7,63% xuống mức 71,06 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng 9 tháng qua.
Báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ làm gia tăng mối lo về một thị trường việc làm đang suy yếu, tín hiệu của việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Bộ Lao động Mỹ cho biết, khu vực phi nông nghiệp của nước này chỉ có thêm 142.000 công việc mới trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với con số dự báo 161.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó.
Thêm vào đó, các vấn đề tranh chấp tại Libya dần được giải quyết khiến hoạt động sản xuất khoảng 700.000 thùng/ngày của nước này được khôi phục.
Đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, 10/10 mặt hàng kim loại đồng loạt giảm giá. Đối với kim loại quý, giá cả hai mặt hàng là bạc và bạch kim đều hướng đến tuần giảm giá thứ hai liên tiếp, lần lượt là 3,29% và 1,45%. Nhóm kim loại quý tiếp tục trải qua một tuần biến động trước những kỳ vọng trái chiều về kịch bản lãi suất của FED.
Hiện tại, thị trường gần như đã chắc chắn rằng FED sẽ tiến hành xoay trục chính sách trong cuộc họp vào ngày 17 và 18-9 tới đây. Do vậy, điều mà giới đầu tư đang quan tâm hơn là FED sẽ giảm 25 hay 50 điểm cơ bản trong cuộc họp quan trọng này.
Đối với kim loại cơ bản, nhóm này cũng trải qua tuần lao dốc mạnh khi các mặt hàng đều ghi nhận các mức giảm từ 4-9%. Quặng sắt là mặt hàng dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm tới 9,23%, về mức 91,7 USD/tấn. Nguyên nhân chính kéo giá mặt hàng này giảm mạnh vẫn xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ thấp tại Trung Quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.