Thị trường

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa

Lam Giang 27/06/2024 08:57

Đóng cửa ngày 26-6, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới chứng kiến sự phân hóa. Trong khi nhóm kim loại tăng giá, sắc đỏ áp đảo bảng giá 3 nhóm mặt hàng còn lại đã kéo chỉ số hàng hóa MXV-Index giảm 0,25% xuống 2.252 điểm.

27.6-1-kl.png
Bảng giá giao dịch kim loại ngày 26-6. Nguồn: MXV.

Kết thúc ngày giao dịch 26-6, sắc đỏ xanh đan xen trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc tăng nhẹ 0,22% lên 29,25 USD/ounce. Giá mặt hàng này liên tục biến động trong biên độ hẹp trong những phiên gần đây khi thị trường thận trọng chờ đợi những dữ liệu kinh tế vĩ mô mới.

Trong đó đặc biệt là dữ liệu tăng trưởng GDP quý I của Mỹ công bố vào ngày 27-6 và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố vào ngày 28-6. Cả hai số liệu này đều ảnh hưởng đến kỳ vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và tác động lên diễn biến giá kim loại quý.

Cùng chung diễn biến, giá bạch kim bật tăng hơn 3% lên 1.036,2 USD/ounce trong phiên hôm qua do nỗi lo thiếu hụt nguồn cung gia tăng. Đây cũng là phiên tăng giá mạnh nhất của giá bạch kim trong gần hai tháng qua.

Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt tăng mạnh nhất nhóm khi tăng 3,21% lên 106,64 USD/tấn, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất của mặt hàng này trong gần hai tháng trở lại đây.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu tiêu thụ yếu tiếp tục gây sức ép lên giá đồng. Chốt phiên, giá đồng COMEX giảm 0,09% về 9.627,58 USD/tấn. Tuy vậy, mức giảm đã thu hẹp hơn hẳn so với các phiên trước, do giá được hỗ trợ nhẹ bởi rủi ro thiếu hụt nguồn cung.

27.6-cn.png
Bảng giá giao dịch nguyên liệu công nghiệp ngày 26-6. Nguồn: MXV.

Kết thúc phiên giao dịch 26-7, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm. Trong đó, giá cà phê Arabica giảm 2,16% về mức 4.946 USD/tấn, giá cà phê Robusta giảm 1,41% về 4.059 USD/tấn. Sự mạnh lên của đồng USD, kết hợp cùng sự gia tăng của tồn kho trên Sở ICE khiến giá tiếp tục suy yếu.

Cùng với đó, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã tăng thêm 6.990 bao loại 60kg, lên 842.834 bao, mức cao nhất kể từ tháng 1-2023. Ngoài ra, luỹ kế xuất khẩu cà phê từ đầu niên vụ 2023-2024 đến tháng 5 của Honduras đạt 3,6 triệu bao, tăng 4,2% so với cùng kỳ niên vụ 2022-2023. Dù vậy, thị trường Việt Nam vẫn thắt chặt với lượng tồn kho vào cuối tháng 5 ở mức 238.020 tấn, giảm 171.078 tấn so với một năm trước.

Ở một diễn biến khác, giá bông chỉ nhích nhẹ 0,14% lên 1.062 USD/tấn khi đồng USD mạnh lên làm hạn chế lực mua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới diễn biến phân hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.