(HNM) - Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành dự thảo thông tư liên tịch thống nhất quy định và hướng dẫn chi tiết việc đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam.
Dư luận cho rằng đây là chủ trương phù hợp xu thế nhưng không ít ý kiến đề nghị phải xem xét kỹ để phòng tránh hiện tượng lách luật, hối lộ, tham nhũng.
Với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sẽ không được bảo lãnh bằng tiền hoặc tài sản. Ảnh: Dương Hiệp |
Tháo gỡ hiện tượng luật vô hiệu
Theo Bộ Tư pháp, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế tạm giam đã được quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003. Tuy nhiên, đến nay vẫn thiếu hướng dẫn cụ thể mang tính chất "cầm tay chỉ việc" về điều kiện, mức tiền, trình tự thủ tục, chế độ quản lý tài sản… nên các cơ quan tố tụng rất hạn chế áp dụng. Dẫn đến tình trạng quá tải trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ, nhất là ở cấp tỉnh. Kết quả khảo sát tại một số địa phương còn cho thấy, chính việc quá tải đã dẫn đến không chống được thông cung. Do đó, việc xây dựng thông tư trên là điều cần thiết, không chỉ tôn trọng quyền con người mà còn tránh cho một điều luật rất tiến bộ khỏi bị "vô hiệu" do không được áp dụng trong thực tế.
Trong dự thảo, biện pháp đặt tiền có thể được xem xét ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với những bị can, bị cáo có nhân thân tốt, như chưa có tiền án, tiền sự; thành khẩn, ăn năn, hối lỗi; là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; là người chưa thành niên và đang đi học… khi có căn cứ để tin rằng họ sẽ có mặt theo giấy triệu tập, không gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội, không tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có những hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử. Mức tiền, trị giá tài sản bảo đảm cụ thể phải đặt không được dưới 10 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 50 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 150 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và 350 triệu đồng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Với một số đối tượng có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi có thể được áp mức tiền, trị giá tài sản thấp hơn nhưng không dưới 1/2 của các mức tương ứng nói trên. Những người phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh; phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng (như cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản...) không được áp dụng hình thức này.
Dễ bị lách luật
Căn cứ vào các tiêu chí để xem xét kể trên, quyết định một bị can, bị cáo có đủ tiêu chuẩn được áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản để thay thế tạm giam hay không phụ thuộc khá nhiều vào niềm tin, đánh giá chủ quan của cán bộ trực tiếp thụ lý hồ sơ vụ án. Điểm chưa thực sự hoàn thiện này có thể dẫn đến hiện tượng xem xét thiếu công bằng, hối lộ, chạy chọt để "đạt chuẩn" được tại ngoại.
Mặt khác, trong quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản thay thế tạm giam không có đối tượng buôn bán, tàng trữ hêrôin là chưa phù hợp với diễn biến đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy hiện nay. Trên thực tế điều tra, xét xử, những bị can, bị cáo thuộc diện này thường có cách che giấu hành vi rất tinh vi, xảo quyệt. Khi bị bắt chúng thường chống trả lực lượng công an rất quyết liệt bằng nhiều loại vũ khí từ thô sơ đến tối tân vì khung hình phạt phải đối mặt luôn rất cao và dù tính chất, mức độ phạm tội như thế nào cũng luôn có hậu quả rất xấu về mọi mặt của đời sống xã hội. Nay nếu cho phép được áp dụng biện pháp đặt tiền khi phạm tội sẽ vô cùng nguy hiểm, gây bất bình trong nhân dân và không thể lường trước chuyện gì có thể xảy ra.
Liên quan đến nguyên tắc áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản thay thế tạm giam trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm cũng còn không ít băn khoăn. Theo Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân), cần quy định chi tiết về nguyên tắc áp dụng biện pháp này. Thể hiện như Ban soạn thảo trình bày thì rất chung chung. Cơ quan tố tụng là đơn vị nào sẽ phê chuẩn vẫn chưa được chỉ rõ. Từ đó, khó xác định và ràng buộc trách nhiệm đối với chủ thể khi bị can trốn; hay mất, hỏng, thất lạc tài sản đặt cọc.
Điểm đáng chú ý nữa là, đặt tiền để được tại ngoại phải bảo đảm bình đẳng giữa mọi công dân mà Bộ luật Tố tụng Hình sự đã quy định. Theo nội dung dự thảo, một trong những đối tượng áp dụng biện pháp này là "người chưa thành niên và đang đi học" thì chưa thực sự công bằng. Vậy người chưa thành niên nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không đi học sao không được tính đến. Đây là vấn đề nhiều bạn đọc của Hànộimới đặt ra khi tiếp cận với dự thảo.
Như vậy, để chính sách đạt hiệu quả cao thì quan trọng vẫn là khâu vận dụng. Nếu thiếu sự rõ ràng, minh bạch, toàn diện, thông tư liên tịch được Bộ Tư pháp khẳng định là tiến bộ, văn minh trên sẽ phản tác dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.