Xã hội

Thận trọng, thấu đáo, tính đến an sinh xã hội

Khánh - Hương ghi 11/07/2023 - 07:20

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3541/QĐ-UBND phê duyệt phương án điều chỉnh giá bán nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội (thay thế Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 19-9-2013).

Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, người dân xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp:
Mức tăng hợp lý, không quá lớn với hộ gia đình

ykien-nguyen-ngoc-diep.jpg

Theo quy định, giá nước cần phải rà soát hằng năm và phải được điều chỉnh khi các yếu tố đầu vào thay đổi. So với 10 năm trước, không chỉ các chi phí đầu vào đã tăng mà trong giá nước còn phải bổ sung thêm thuế tài nguyên, chi phí dịch vụ môi trường rừng, thuế khai thác tài nguyên nước...

Với việc điều chỉnh tăng giá nước lần này, tôi cho rằng thành phố Hà Nội đã rất thận trọng, thấu đáo, kỹ lưỡng và hết sức quan tâm đến đời sống người dân. Thành phố đã rà soát, nghiên cứu từ năm 2019; mời đơn vị tư vấn nghiên cứu xây dựng giá nước, thành lập tổ công tác, mời chuyên gia, bộ, ngành tham gia.

Giá nước có điều chỉnh tăng nhưng cũng rất hợp lý. Số tiền các hộ dân khu vực đô thị và nông thôn chi tăng thêm không nhiều từ 10.000 đến 26.000 đồng/hộ đối với gia đình dùng 10-16m3/tháng. Số tiền này không quá lớn với hộ gia đình nhưng giúp thành phố nâng cao chất lượng cấp nước. Vì vậy, việc điều chỉnh giá là cần thiết để giúp sản xuất, kinh doanh nước sạch bình thường.

Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng Bùi Thị An:
Thành phố đã tính đến an sinh xã hội

ykien-bui-thi-an.jpg

Trong bối cảnh các chi phí đầu vào trong sản xuất nước sạch đều tăng, tôi rất đồng tình với phương án điều chỉnh giá nước sạch của thành phố Hà Nội. Việc tăng giá nước sạch là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô; đồng thời cũng bảo đảm nguồn lực cho các nhà đầu tư tham gia phát triển, đầu tư vào công nghệ cấp nước.

Mặt khác, tôi cho rằng thành phố đã tính đến an sinh xã hội, điều chỉnh giá nước đối với từng đối tượng cụ thể, trong đó các hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo được tính mức giá thấp hơn so với các đối tượng khác.

Tuy nhiên, tôi mong rằng thành phố Hà Nội giao cho đơn vị có trách nhiệm đánh giá tổng thể về chất lượng, thiết bị, công nghệ của các công ty cung cấp nước... Thành phố cũng nên xây dựng một đường dây nóng của thành phố (không phải của các công ty cấp nước) để người dân Thủ đô phản ánh về chất lượng cấp nước.

Ông Nguyễn Việt Dũng (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai):
Cần bảo đảm cấp nước ổn định, đầy đủ

ykien-nguyen-viet-dung.jpg

Tôi ủng hộ việc điều chỉnh tăng giá nước sạch của thành phố Hà Nội. Thực ra, việc tăng giá nước sạch là hợp lý. Tính ra, 1m3 nước sạch hiện nay chỉ bằng 1 chai nước tinh khiết 50ml.

Việc tăng giá cũng để tránh lãng phí nguồn nước, nâng cao ý thức sử dụng nước sạch. Tuy nhiên, tôi mong rằng thành phố bảo đảm chất lượng cấp nước. Cần phải có một cơ quan kiểm định độc lập, định kỳ lấy mẫu kiểm định nước tại các khu vực dân cư.

Đặc biệt, thành phố cần bảo đảm cấp nước đầy đủ, ổn định cho nhân dân. Lâu nay, khu vực quận Hoàng Mai, hay các quận, huyện phía Tây Nam thành phố như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức,... đang sử dụng nước từ nguồn nước sạch sông Đà. Việc cấp nước mặc dù đã có cải thiện, song nhiều khu dân cư ở cuối nguồn vẫn thiếu nước sạch. Đặc biệt, cứ mỗi lần nghe tin vỡ đường ống nước sạch sông Đà là lại lo. Mất nước sạch 2-3 ngày là bức bối lắm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng, thấu đáo, tính đến an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.