Đời sống

Điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội đem lại hiệu quả gì?

Dạ Khánh 01/07/2023 - 15:48

Phương án điều chỉnh giá nước tại Hà Nội theo tờ trình của Sở Tài chính đang nhận được sự quan tâm của dư luận, cơ bản được các chuyên gia, người dân đồng tình, ủng hộ. Vậy, việc điều chỉnh giá nước của Hà Nội sẽ đem lại những hiệu quả gì?

c0031.mp4_snapshot_00.07.jpg
Bảo đảm cấp nước ổn định, liên tục.

Sẽ bảo đảm cấp nước đầy đủ, liên tục

Những năm qua, Hà Nội là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng mạnh. Nếu như năm 2008, dân số Hà Nội là 6,35 triệu người, thì năm 2019 đạt 8,055 triệu người, tăng hơn so với dự báo đến năm 2020 (ước khoảng 7,3-7,9 triệu người) tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011). Theo đó, tốc độ tăng dân số trung bình 2,4%/năm. Đến hết năm 2022, Sở Y tế Hà Nội cho hay, dân số Thủ đô đã là khoảng 8,4 triệu người.

Tốc độ đô thị hóa cùng sự gia tăng dân số cơ học ngày càng nhanh trong thời gian qua đã kéo theo nhu cầu sử dụng nước sạch tại Thủ đô ngày một tăng. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình trong những năm qua, số lượng khách hàng đấu nối nước tại khu vực đô thị tăng khoảng 6-10% (khoảng trên 60.000 hộ/năm). Do vậy, nếu nguồn cung nước sạch không được bổ sung đúng kế hoạch, song hành cùng quá trình đô thị hóa, sẽ dẫn đến nguy cơ không bảo đảm nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân.

Để bảo đảm cung nước sạch cho nhân dân, Sở Xây dựng cho hay, thời gian qua, thành phố đã kêu gọi các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển hệ thống cấp nước của thành phố. Theo đó, đã có 39 dự án cấp nước đã được thành phố chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, do giá nước sạch còn thấp nên có doanh nghiệp không thực hiện dự án và phần lớn các dự án còn lại đều chậm tiến độ hoàn thành... do càng làm càng lỗ.

Với việc Hà Nội thực hiện điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt, Sở Tài chính Hà Nội chia sẻ, các đơn vị cấp nước sẽ có nguồn lực để tiếp tục đầu tư nâng công suất sản xuất nước sạch. Thành phố cũng thu hút được nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực cấp nước sạch, theo đó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư của các dự án cấp nước để bảo đảm sản lượng nước được cung ứng đầy đủ, liên tục.

Giá nước được điều chỉnh cũng giúp các đơn vị cấp nước có đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư cải tạo và kiểm soát để nâng cao chất lượng nước sạch, bảo đảm sức khỏe cho người dân.

img_20220401_140102.jpg
Thời gian qua, Hà Nội đã đóng cửa một số giếng khai thác nước ngầm.

Ngăn ngừa tình trạng sụt lún mặt đất

Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, hiện thành phố đang sử dụng cả nguồn nước mặt và nước ngầm trong khai thác, sản xuất nước sạch. Trong đó, khai thác nước ngầm với công suất khoảng 735.000m3/ngày - đêm và nước mặt khoảng 795.000m3/ngày - đêm.

Theo các chuyên gia về môi trường, quá trình khai thác nước ngầm sẽ tạo ra các “phễu”, hạ thấp mực nước cục bộ tại nơi khai thác. Trường hợp khai thác quá mức sẽ dẫn đến việc hạ thấp mực nước, gây ra tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước; xâm nhập nước mặt ô nhiễm,… gây hệ quả đến các công trình xây dựng, môi trường sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng ưu tiên nguồn nước mặt, khai thác hợp lý nguồn nước ngầm. Trong đó, đến năm 2025, Hà Nội sẽ giảm khai thác nước ngầm xuống còn 615.000m3/ngày - đêm; đến năm 2050 còn khoảng 413.000m3/ngày - đêm.

Việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn nước ngầm và thay thế bằng nguồn nước mặt từ các nhà máy nước mặt công suất lớn (Nhà máy nước mặt sông Đuống, sông Đà, sông Hồng) sẽ góp phần bảo vệ an toàn nguồn tài nguyên nước, hạn chế các hiện tượng sụt lún do khai thác quá mức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các công trình xây dựng và môi trường sống của người dân trên địa bàn thành phố. Bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm cũng sẽ là việc làm trọng tâm của thành phố để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu nước sạch ngày càng tăng.

Đặc biệt, theo Sở Xây dựng, việc sử dụng hai nguồn nước trong sản xuất nước sạch cũng góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước. Khi nguồn nước mặt có sự cố, nguồn nước ngầm dừng hoặc giảm khai thác sẽ được sử dụng làm nguồn nước dự phòng bảo đảm an ninh nguồn nước cho thành phố.

Bên cạnh đó, giá nước được điều chỉnh có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch. Đồng thời, bảo đảm các hộ dân ở nông thôn cũng được cung cấp nước sạch khi các nhà đầu tư có động lực hơn để triển khai các dự án cấp nước nông thôn.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để người dân được tiếp cận nguồn nước sạch sinh hoạt, thời gian qua UBND thành phố đã huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình cấp nước tập trung nông thôn, đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình cấp nước sạch nông thôn đạt hiệu quả để bảo vệ sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, bảo đảm an ninh nguồn nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội đem lại hiệu quả gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.