(HNM) - Bộ Giao thông - Vận tải vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo thống kê của Bộ Giao thông - Vận tải, hiện nay có 58/60 dự án BOT đạt doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo. Trong đó, 17 dự án doanh thu thực tế chưa đạt 50%.
Tính đến hết năm 2019, có 45 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo, trong đó có 2 dự án doanh thu chỉ đạt 13-15%. Nguyên nhân do giảm giá vé cho chủ phương tiện khu vực lân cận trạm thu phí và việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng.
Thực tế, việc tăng phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư dự án BOT là cần thiết. Tuy nhiên, đưa ra đề xuất vào thời điểm này thì cần cẩn trọng. Bởi nền kinh tế nói chung, ngành Vận tải nói riêng đang chịu tác động lớn từ dịch Covid-19 và khó khăn là ở hầu hết các lĩnh vực chứ không riêng gì doanh nghiệp BOT. Thêm vào đó, bản chất của doanh nghiệp trong kinh doanh là lãi thì hưởng, lỗ phải chịu.
Do đó, để vực dậy nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực vận tải thì cần có sự chung sức của cả cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khi các doanh nghiệp vận tải cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tăng phí BOT, doanh nghiệp cũng cần thông tin cụ thể về các dự án định tăng phí như phương án tài chính của dự án, thống kê ghi chép số lượng phương tiện qua lại để chứng minh nguồn thu bị thiếu hụt…
Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động về đề xuất tăng phí "cứu" doanh nghiệp BOT. Rõ ràng, rất cần thận trọng khi đặt vấn đề tăng phí BOT!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.