Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham nhũng nhà công vụ: Tội danh mới?

T.Hương| 31/10/2014 07:38

(HNMO) -


Đã đến lúc nhận dạng tội danh tham nhũng mới: Tham nhũng nhà công vụ 

Nêu ý kiến đầu tiên trong buổi sáng nay, ĐB Lê Như Tiến - Quảng Trị cho rằng, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả đáng ghi nhận nhưng tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng, phức tạp, nhiều công trình dự án tiêu tốn nhiều tỷ đồng nhưng công năng sử dụng kém, vừa khai trương đã khai tử, người dân không được thụ hưởng như thuyết trình ban đầu của dự án mà chỉ một số chủ quản, chủ thầu đầu tư được hưởng lợi.

ĐB Lê Như Tiến. Nguồn: Internet


Đề cập đến nhà công vụ, đại biểu này cho biết, có hàng trăm biệt thự công, nhà ở liền kề, nhiều lãnh đạo cấp cao gương mẫu trả nhà công vụ sau khi thôi quản lý nhưng còn nhiều lãnh đạo thôi không làm nhiệm vụ “quên” trả nhà công vụ, cho con cháu mượn theo cơ chế ở nhà giữ hộ, nhiều tòa nhà công vụ bi chia nhỏ, biến thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ, nếu Chính phủ có giải pháp quản lý đúng mục đích thì nhiều nhà công vụ, biệt thự công được thu hồi, sẽ có thêm hàng chục tỷ đồng để phát triển kinh tế. “Vì vậy, đã đến lúc nên nhận dạng tội danh tham nhũng mới: tham nhũng nhà công vụ” - ĐB này nhấn mạnh.

ĐB Tiến kiến nghị QH, CP ưu tiên ngân sách xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, lực lượng vũ trang làm ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn, và xử lý mạnh những trường hợp tham nhũng.

ĐB Đỗ Thị Hoàng - Quảng Ninh lo lắng về nợ công và cơ bản đồng tính với 6 giải pháp về giải quyết nợ công mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra chiều qua.

Theo ĐB này, để góp phần giải quyết nợ công, cần thực hiện giải pháp hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng nguồn thu NSNN; quản lý chặt chẽ hơn về chi tiêu công, ưu tiên ngành trọng yếu, đổi mới chỉ tiêu dịch vụ công, thắt chặt chi tiêu thường xuyên; minh bạch trong chi tiêu công, không dùng tiền mặt; tăng cường giám sát của QH, kiểm toán Nhà nước trong sử dụng nguồn lực Nhà nước...

Đưa phát triển KHCN là 1 trong các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế

ĐB Nguyễn Bắc Việt - Ninh Thuận cho rằng, trong giải pháp, Chính phủ cần quan tâm cải cách hành chính vì báo cáo Chính phủ chưa nhấn mạnh nội dung này, cần nâng cao trách nhiệm của các bộ công chức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức với nhân dân.

Lo lắng về tình trạng sử dụng rượu bia và tại nạn do rượu bia, ĐB này đề xuất siết cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất rượu bia, cần nâng thẩm quyền cấp phép nhà máy này do Thủ tướng có ý kiến.

Theo ĐB Việt, cần có chỉ tiêu về năng suất lao động để nâng năng suất lao động nước ta lên mức trung bình của thế giới.

ĐB Nguyễn Thị Thanh - Ninh Bình đánh giá vai trò quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN) bởi các nước phát triển đều đi lên từ KHCN. Tuy nhiên, tại VN, lĩnh vực này vẫn còn kém, hầu như không có sản phẩm nào mang thương hiệu quốc tế. Chính vì vậy ĐB này đề nghị đưa việc phát triển KHCN là 1 trong các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và 5 năm, có cơ chế quản lý đầu tư khoa học công nghệ, gắn với sản phẩm khoa học, đề tài phải gắn liền thực tiễn để tránh lãng phí; đã đến lúc KHCN cần được thực hiện hóa trong đời sống.

Hạn chế nhập khẩu cây trồng, vật nuôi

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Nguyễn Thành Bình - Vĩnh Long cho rằng Chính phủ đầu cần đầu tư nghiên cứu lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học để phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất, hạn chế nhập khẩu cây trồng, vật nuôi.

Lo ngại về tình hình xuất khẩu gạo 2 năm qua sụt giảm, thị trường cá tra cũng gặp khó khăn, đại biểu này khiến nghị cần có sự phối hợp mạnh mẽ giữa Bộ Công thương, Bộ NNPTNT để nâng cao chất lượng nông sản, xúc tiến thị trường tiêu thụ nông sản. Về hạ tầng giao thông, Chính phủ và Bộ GTVT cần đầu tư các quốc lộ nhánh để kết nối các tỉnh.

Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Quảng Ninh đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Theo thượng tọa, các chỉ tiêu kinh tế xã hội hoàn thành, ngoại giao được khẳng định mạnh, ngân hàng ổn định, giao thông thông thoáng, tăng trưởng kinh tế hợp lý, điện đã về Lý Sơn (Phú Quốc)...Kết quả là đáng ghi nhận, song rủi ro, thách thức vẫn tiềm ẩn. Để khắc phục, chúng ta phải phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trước hết là đoàn kết tại Quốc hội.


Chỉ ngành ngân hàng không giải quyết được nợ xấu

Theo một đại biểu của Cao Bằng, kinh tế có chuyển biến song không thể chủ quan vì tổng cầu thấp, thâm hụt ngân sách còn lớn, kinh tế phát triển chậm, nợ xấu cao, thu ngân sách tăng chậm. Vì vậy, ĐB này đề nghị Chính phủ cần có chính sách quyết liệt đồng bộ hơn, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ; chính sách điều hành cần tăng tổng cầu, kể cả đầu tư công và tư nhân; thúc đẩy đầu tư tư nhân, cắt giảm thủ tục hành chính; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hiệu quả nhằm kiểm soát loạt phát, ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững cần triển khai quyết liệt tái cơ cấu các tổ chức tín dụng,...

Về nợ xấu, ĐB này nghĩ, chỉ ngành ngân hàng thì không thể giải quyết được nợ xấu mà cần có sự tham gia của các bộ, ngành , địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là xử lý hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng.

Sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi thấp

Giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, về tình hình nông nghiệp nông thôn 10 tháng đầu năm, sản xuất tương đối được mùa được giá, trừ cao su và cá tra; xuất khẩu đạt 25,85 tỷ USD đối với nông, lâm, thủy sản, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã có 785 xã đạt 19 tiêu chí nhưng lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, yếu kém. Giải pháp căn cơ là thực hiện chủ trương tái cơ cấu và phát triển bền vững.

Cơ cấu cây trồng vật nuôi có nhiều chuyển biến, hơn 100.000 ha trồng lúa đã chuyển sang trông cây màu và cây trồng khác có hiệu quả hơn. Nhiều địa phương chuyển sang trồng giống lúc có chất lượng và giá bán cao hơn ở mức 8.000/kg thay 6.000/kg như trước đây. Hơn 120.000 ha lúa được sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, đây chỉ là kết quả bước đầu, để triển khai rõ nét hơn góp phần tăng thu nhập cho bà còn cần sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương; cũng như cần bổ sung thêm nguồn lực để triển khai thực hiện .

Ngành chăn nuôi có nhiều chuyển biến nhưng Bộ trưởng Bộ NNPTNT thừa nhận sức cạnh tranh ngành chăn nuôi còn thấp, vì gần 60% đàn gia súc gia cầm nuôi ở hộ chăn nuôi nhỏ (8 triệu hộ nuôi gia cầm, hơn 4 triệu hộ nuôi lợn). Vì vậy, “để nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi, đặc biệt trong thời kỳ mở cửa, ngành đang quyết liệt triển khai các biện pháp, trong đó khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp, Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ có hiệu quả cao hơn”.-Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.



Về phát triển đánh bắt trên biển, năm 2013-2014 tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản khá cao nhưng tăng trưởng đánh bắt trên biển chậm hơn nuôi trồng. “Điều này phù hợp chiến lược ngành thủy sản. Về lâu dài, tập trung nuôi trông để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho ngư dân, đánh bắt trên biển tiếp tục nhưng khả năng có mức độ nhất định”.

Sở dĩ là như vậy vì các nhà khoa học đã xác định dự trữ lượng tôm, cá hải sản trên biển là hơn 4 triệu tấn, có thể khai thác bền vững hàng năm là 2 triệu tấn, mà năm qua chúng ta đã khai thác 2,5 triệu tấn. Trong cơ cấu đó, vùng ven biển chỉ nên khai thác 700-800 tấn nhưng chúng ta đã khai thác 1,5 triệu tấn. Còn ở các vùng xa bờ, khả năng khai thác là 1,1 triệu tấn nhưng mới khai thác 9 triệu tấn.

“Về chủ trương, chúng ta tiếp tục khuyến khích ngư dân đánh bắt vùng biển xa nhưng kiềm chế gia tăng đánh bắt ven bờ”- Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết.

Theo ông, với đánh bắt trên biển, điều quan trọng là nâng cao hiệu quả đánh bắt vì riêng việc cải tiến công nghệ bảo quản hàng trên tàu cá đã giúp tăng giá trị hải sản 30%; thí điểm ở Bình Định về cá ngừ đại dương vừa qua cho thấy, chỉ cải tiến về đánh bắt đã giúp nâng cao giá trị 8-10 lần.

Thừa nhận cá tra là ngành lợi thế nhưng đang gặp khó khăn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, chúng ta đang nỗ lực đàm phán, mở cửa thị trường với Nga và vừa qua Nga đã mở cửa trở lại với 9 DN, hiện đang đàm phán với Brasil. Trước khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN, Bộ NNPTNT nắm tình hình, Chính phủ đã có chủ trương giải quyết về nợ của các DN này.

Cảnh giác với thị trường dễ tính

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, một đại biểu tỉnh Hưng Yên cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, CPI giảm mạnh. Đây là kết quả của lãnh đạo sát sao của Đảng, Chính phủ nhưng cần đánh giá ở góc độ khác là do ý thức tiết kiệm của người dân.

Mặt bằng lãi suất giảm mạnh so với cuối năm 2013, tỷ giá ổn định, thể hiện sự điều hành của Chính phủ và sự cố gắng của toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên, “ tăng trưởng tín dụng chưa như mong muốn cho thấy sức bật nền kinh tế chưa cao, vì thế nợ xấu có thể gia tăng” - ĐB này lưu ý.

Về nhiệm vụ và giải pháp, theo ĐB của Hưng Yên, với DNNN, cần đảm bảo nguyên tắc tài chính công khai khai minh bạch, tránh tình trạng khi cần chi nói lãi khi cần hỗ trợ lại bảo lỗ. Thủ trưởng DNNN cần chịu trách nhiệm đến cùng khi kết quả sản xuất kinh doanh kém hiệu quả để bảo toàn vốn và tài sản của nhà nước.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng.


Bày tỏ vui mừng trước những thành tựu của đất nước, nhưng ĐB Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương cũng lo lắng về nợ xấu và nợ công của đất nước.

Theo ĐB Đáng, năm nay có xuất siêu khá cao nhưng điều đó chưa nói lên điều gì khi nhiều DN phải giải thể. Để xuất siêu thật sự cần nỗ lực hơn trong tái cơ cấu kinh tế.

Tại báo cáo của Chính phủ, chủ trương mở rộng thêm thị trường, ĐB này cho rằng chủ trương như vậy là đúng đắn nhưng cần cảnh giác với thị trường dễ tính vì chúng ta sẽ quen theo lối kinh doanh kiểu cũ, nền kinh tế sẽ mãi chỉ sản xuất ra sản phẩm chất lượng thấp, chỉ kinh doanh theo lối chộp giật. Hiện nay nền sản xuất chúng ta chưa phát triển nhưng về lâu dài chúng ta cần tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ để chia tay thị trường thô sơ, nếu không nền kinh tế mãi mãi không thể cất cánh.

Cần đánh giá cả những thất thoát của nền kinh tế

Theo ĐB Nguyễn Văn Phúc - Hà Tĩnh, tại báo cáo của Chính phủ, nội dung ít thấy là đánh giá về những cái mất, những thất thoát của nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc.


Qua các con số cho thấy, những thất thoát, mất đi của chúng ta rất lớn. Mỗi năm mất 50.000-60.000 tỷ đồng do tai nạn giao thông, 150.000 người mắc bệnh ung thư, trong đó 75.000 người chết mỗi năm (nguyên nhân do môi trường, an toàn thực phẩm), thiên tai làm thiệt hại 1-1,5% GDP. Bên cạnh đó, rất nhiều công trình xây ra không sử dụng, không được duy tu bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng. Như vậy, “sự thất thoát, lãng phí là rất lớn. Nếu giảm được thất thoát, lãng phí này, chúng ta đủ tiền để giải quyết tiền lương và các chính sách xã hội. Vì thế, những con số trên cần được tính toán trong bài toán kinh tế. Báo cáo của Chính phủ nên đánh giá cả những thất thoát, mất đi của nền kinh tế” -  ĐB Phúc nói.

Quốc hội đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ

Phát biểu cuối buổi thảo luận tình hình KT-XH sáng nay, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, về cơ bản, QH tán thành báo cáo của Chính phủ. Nhiều ý kiến của ĐB phân tích, làm rõ hơn những thành tựu đã đạt được và khía cạnh chưa làm được, cũng như chỉ ra nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Theo Phó Chủ tịch QH, năm 2014, Chính phủ đã nỗ lực triển khai nghị quyết của QH trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều phức tạp, tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn sau sự kiện giàn khoan.

QH đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, sâu sắc, nhạy bén. Kết quả đạt được trong những tháng qua là cơ sở khẳng định mục tiêu năm 2014 đạt được kết quả. Đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng một số khu vực phục hồi, giá cả hàng hóa điều chỉnh theo tín hiệu thị trường, cán cân thanh toán thặng dư, lãi suất hợp lý, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, tình trạng đô la hóa giảm dần...; tình hình chính trị, an toàn xã hội bảo đảm; quan hệ đối ngoại đối ngoại mở rộng; giữ vững an ninh quốc gia....

Về tồn tại, hạn chế, đại biểu QH cho rằng báo cáo chưa đề cập sâu đến hạn chế yêu kém, chưa phân tích kỹ nguyên nhân. Một số số liệu gây nhiều băn khoăn, cần đánh giá đầy đủ, minh bạch hơn; vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương lớn nhưng còn thấp; tái cơ cấu DNNN còn chậm, trong đó cổ phần hóa chưa đạt mục tiêu đề ra; chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh nền kinh tế cải thiện nhưng chậm so với các nước láng giềng; tình doanh nghiệp FDI chuyển giá chưa được khắc phục; tình trạng cháy, phá rừng gây nhiều hậu quả; việc triển khai kinh tế biển vướng mắc; tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu xu hướng tăng và xử lý chậm; quy mô nợ công lớn...

Chương trình nông thôn mới đạt kết quả bước đầu nhưng nhiều chỉ tiêu chưa phù hợp vùng miền; năng suất lao động xã hội thấp, cần đánh giá rõ hơn để khắc phục; sinh viên ra trường chưa việc làm gây bức xúc ; quản lý tài nguyên môi trường còn hạn chế, đặc biệt là ô nhiễm; tình trạng khiếu nại vượt cấp còn phức tạp.

Phó Chủ tịch QH cho rằng, một số vấn đề cần làm rõ thêm là đánh giá hiệu quả liên kết vùng, chính sách phát triển vùng khó khăn; xuất siêu lớn chủ yếu do hàng gia công lắp ráp của DN FDI; làm rõ tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm; DN phá sản nhiều mà tăng trưởng vẫn cao hơn năm trước; phân tích đánh giá vấn đề nợ công trong dài hạn; việc triển khai các chủ trương, chính sách còn chậm, kỷ cương chấp hành của các cấp trong cơ quan điều hành chưa nghiêm túc...

Về chủ trương phát triển KT-XH năm 2015, đa số đại biểu nhất trí. Phó Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ rà soát rà soát hệ thống chỉ tiêu, tránh hình thức. Cần dự báo tình hình thế giới, trong nước để xác định mục tiêu phù hợp, mục tiêu tổng quát là thống nhất ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao và vững chắc so với năm 2014, phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Tiếp tục đẩy mạnh tạo sự thay đổi đột phá về thế chế quản lý nhà nước, tài chính công, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phục hồi sản xuất kinh doanh; phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cao; tạo cơ chế linh hoạt để triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút đầu tư tư nhân; xử lý nợ xấu, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng; triển khai tốt chính sách an sinh xã hội...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham nhũng nhà công vụ: Tội danh mới?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.